Khi dùng tã giấy cả ngày, cùng với khí hậu mùa hè nóng bức làm tăng nguy cơ hăm tã ở trẻ. Hăm tã là một dạng viêm da tại vùng mặc tã khiến trẻ đau rát, khó chịu. Vậy cách điều trị và phòng tránh hăm tã ở trẻ như thế nào?
1. Biểu hiện khi trẻ bị hăm tã
Hăm tã ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là tình huống thường gặp ở bất kỳ trẻ nào dùng tã giấy. Việc sử dụng tã giấy hằng ngày dẫn đến:
– Trẻ bị dị ứng với chất liệu làm tã giấy, sử dụng loại tã cứng khiến da trẻ bị cọ sát dẫn đến hăm.
– Để tã ướt lâu không thay khiến nấm, vi khuẩn có cơ hội phát triển gây bệnh trên da…
– Da trẻ quá nhạy cảm không thích hợp việc dùng tã giấy.
– Sử dụng bột giặt, chất làm mềm vải, chất tạo mùi thơm… có thể gây kích thích cho da và gây hăm.
Khi trẻ bị hăm tã, rất dễ để nhận ra với các biểu hiện:
– Da vùng tiếp xúc với tã mẩn đỏ, thậm chí là sưng loét da.
– Trẻ quấy khóc, không ngủ thẳng giấc. Khi bé đi vệ sinh có thể khóc thét lên…
2. Cách trị hăm tã cho trẻ
– Loại bỏ loại tã giấy và các loại xà phòng đang sử dụng cho bé.
– Vệ sinh vùng da bị hăm bằng xà phòng dịu nhẹ và nước sạch. Dùng khăn bông mềm lau khô nhẹ nhàng.
– Thoa kem hoặc thuốc lên vùng hăm một lớp mỏng.
– Thường xuyên để mông thoáng mát, hạn chế mặc tã giấy trong ngày.
– Nên sử dụng loại tã mềm, không chất tạo mùi.
– Thay tã ngay khi tã ướt.
Sử dụng thuốc trị hăm cho bé nhằm mục đích:
Ngăn ngừa da bị dị ứng, viêm da do mang tã giấy.
Làm dịu da, bảo vệ da bé khỏi các tác nhân kích ứng; giúp tổn thương trên da nhanh lành.
2.1. Kem dưỡng ẩm
Các loại kem chứa các thành phần như: Kẽm oxide, dexpanthenol, vitamin E… phù hợp với những trường hợp hăm tã nhẹ, có tác dụng cấp ẩm cho da; thúc đẩy sự hình thành và hoạt động của lớp biểu mô giúp làm mềm da và tăng độ đàn hồi của da; hỗ trợ tái tạo, củng cố biểu bì bằng cách cải thiện hàng rào tự nhiên của da. Từ đó, làm giảm kích ứng, ngứa, ban đỏ và hiện tượng sưng viêm.
Cách sử dụng: Sau khi vệ sinh và lau khô da cho bé, thoa một lớp kem mỏng đều lên vùng da bị tổn thương. Tình trạng hăm tã sẽ bớt dần và khỏi sau 3-5 ngày sử dụng.
2.2. Kem bôi có kháng sinh
Thuốc dạng kem (thuốc mỡ) điều trị hăm tã có chứa kháng sinh gentamyxin, neomycin… Một số thuốc kết hợp corticoid giúp giảm viêm nhanh.
Kem bôi chứa kháng sinh và corticoid kết hợp là loại thuốc giúp tình trạng viêm hăm của trẻ cải thiện rất nhanh, do đó nhiều phụ huynh ưa thích dùng loại này. Tuy nhiên, corticoid có nhiều tác dụng phụ nếu dùng không đúng hướng dẫn, do đó cha mẹ không tự ý sử dụng mà chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc da liễu.
Cách sử dụng: Sau khi tắm, vệ sinh sạch cho bé, thoa một lớp kem mỏng khi da còn ẩm (không phải ướt) để thuốc dễ thấm và tăng hiệu quả điều trị.
2.3. Kem sát khuẩn chứa nano bạc
Thuốc có tác dụng sát khuẩn và giúp da của bé mau khô và mềm dịu da, làm giảm tình trạng nổi mẩn đỏ, điều trị những tổn thương cho da bị xây xát, hăm, ngứa.
Cách dùng cũng như 2 loại thuốc trên, sử dụng sau khi tắm/vệ sinh da bé sạch sẽ.
3. Một số biện pháp tự nhiên
Ngoài các loại thuốc trên, có thể sử dụng một số biện pháp tự nhiên cũng giúp giảm nhanh tình trạng hăm tã của trẻ:
3.1. Dầu dừa
Dầu dừa có chứa nhiều chuỗi acid béo trung tính có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm. Các chất chống oxy hóa như vitamin E, phytosterol có trong dầu dừa, giúp mô da phục hồi tổn thương do hăm tã, giúp dưỡng ẩm da giúp da bé mềm mại.
Thoa một lớp dầu dừa lên vùng da bị hăm của bé sau khi tắm sạch và lau khô. Cần massage nhẹ nhàng để dầu dừa thấm đều lên da của bé.
3.2. Chữa hăm tã bằng lô hội
Lô hội hay còn gọi là nha đam chứa nhiều acid amin, vitamin và khoáng chất. Trong nhựa cây lô hội có chứa chất polysaccarid, acid béo và một số hoạt chất nhóm anthraquinon… Do đó có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm.
Có thể sử dụng sản phẩm lô hội đã chiết xuất dành riêng cho da của bé. Hoặc dùng lô hội tươi, cắt bỏ vỏ xanh, nạo lấy phần thạch, thoa nhẹ nhàng lên da bé và để khô tự nhiên.
Lưu ý khi sử dụng lô hội tươi cần vệ sinh sạch và đảm bảo khử khuẩn để tránh nhiễm khuẩn cho bé.
3.3. Lá trầu không
Có thể lấy 2-3 lá trầu không còn tươi, nguyên, rửa sạch, cắt thật nhỏ rồi thả vào bát nước sôi, đậy kín khoảng 10-15 phút. Đợi khi lá trầu không thẩm thấu ra nước và nước vừa đủ độ ấm thì dùng bông gạc mềm thấm dung dịch nước lá trầu không chấm lên vùng da tổn thương của bé (sau khi đã vệ sinh sạch, lau khô). Mỗi ngày làm 2-3 lần sau khi bé đi vệ sinh.
3.4. Lá khế
Lá khế thường được sử dụng điều trị các bệnh ngoài da như chàm, dị ứng, hăm tã…
Lấy khoảng 100-150g lá khế non và hoa rửa sạch, đun sôi 10-15 phút với 5-6l nước. Để nước nguội vừa đủ rồi tắm cho bé. Phương pháp này thường giúp bé khỏi sau 3-4 ngày đối với hăm da nhẹ.
3.5. Lá trà xanh
Trong lá trà xanh chứa EGCG – một chất chống oxy hóa và nhiều vitamin, khoáng chất cung cấp dưỡng chất cần thiết cho làn da bị tổn thương.
Một cách rất đơn giản là lấy một nắm lá trà xanh rửa sạch, nấu với khoảng 1 lít nước trong 10-15 phút. Sau đó để nguội rửa trực tiếp lên vùng da bị hăm hoặc pha loãng vừa đủ ấm và tắm cho bé. Da của bé sẽ mau chóng se dịu lại và làm giảm tình trạng hăm sau vài lần sử dụng.
Sau khi sử dụng các biện pháp trên mà tình trạng da của bé không bớt hoặc có dấu hiệu nặng hơn, cần đưa bé đi khám để được hướng dẫn lại cách dùng thuốc và chăm sóc da bé an toàn.
4. Cách phòng tránh hăm tã cho bé
Do tình trạng sử dụng tã giấy và nhiều nguyên nhân khác, đặc biệt là trong mùa hè, nên vấn đề trẻ bị tái phát hăm tã là rất cao. Vì thế sau khi điều trị hăm tã cho bé hết, cha mẹ không nên chủ quan mà cần có các biện pháp phòng hăm tã tái phát:
– Lựa chọn tã giấy mềm, có thương hiệu bảo đảm, không mua hàng nhái hàng giả. Không sử dụng loại tã giấy có mùi thơm…
– Đóng bỉm đúng cách, không đóng quá chặt hay quá lỏng.
– Thay tã thường xuyên, ngay bé đi vệ sinh ra tã.
– Khi thay tã cần vệ sinh phần da dùng tã.