Dưới đây là 9 loại lá dân gian thường được sử dụng trong các bài thuốc giúp giảm và điều trị các triệu chứng mẩn ngứa, dị ứng và nổi mề đay hiệu quả, ngay tại nhà.
Những cách chữa mề đay, mẩn ngứa tại nhà thường được áp dụng với các trường hợp bệnh mới phát và nằm ở mức độ nhẹ. Đa phần các phương pháp điều trị này đều được thực hiện bằng các nguyên liệu là thảo dược thiên nhiên có sẵn ngay trong cuộc sống của chúng ta. Do đó, nó cũng có độ an toàn cao, phù hợp với mọi lứa tuổi. Dưới đây là 9 loại lá dân gian có thể áp dụng để giảm mẩn ngứa trên da, bạn có thể tham khảo.
1. Cỏ nhọ nồi
Theo Đông y, cây cỏ nhọ nồi không độc, nó có vị chua, ngọt, mang tính hàn, có tác dụng lương huyết, cầm máu, ích âm. Không những vậy, chúng còn được dùng để trị can thận âm hư, các chứng huyết nhiệt, bệnh sốt cao, làm cắt nhanh cơn ngứa, chữa trị nổi mẩn và mề đay…
– Cách sử dụng: Bạn hãy đem lá nhọ nồi đi rửa thật sạch rồi đem giã nát, sau đó vắt lấy nước để uống, còn phần bã thì dùng để đắp trực tiếp lên chỗ bị ngứa.
2. Lá chè xanh
Trong lá chè xanh có chứa nhiều dưỡng chất có tác dụng tốt cho cơ thể, giúp thanh nhiệt, giải độc, có tác dụng đẩy lùi các độc tố gây dị ứng và mẩn ngứa trên da.
– Cách sử dụng: Bạn hãy dùng lá chè xanh tươi hoặc khô hãm với nước sôi để lấy nước uống hàng ngày. Mỗi ngày, bạn có thể uống khoảng từ 2 – 3 ly.
3. Lá lốt
Lá lốt là một trong những loại lá có chứa khá nhiều tinh dầu, đặc biệt là nó có chứa piperidin- là một loại kháng sinh tự nhiên có tác dụng chữa trị các triệu chứng dị ứng thời tiết, nổi mề đay và phát ban rất hiệu quả.
– Cách sử dụng: Lá lốt tươi sau khi được rửa thật sạch thì đem ngâm với nước muối loãng trong khoảng từ 3 – 5 phút rồi vớt ra để ráo nước. Sau đó vò nát rồi cho vào nồi cùng với lượng nước vừa đủ. Tiếp theo đun sôi thật kỹ khoảng từ 10 đến 15 phút cho tinh dầu tiết ra. Sau đó, tắt bếp để nước nguội bớt rồi dùng khăn sạch thấm nước lá lốt xoa lên vùng da bị dị ứng, mẩn ngứa. Sau khoảng 30 phút thì rửa lại bằng nước sạch. Làm 2 lần/ngày.
4. Lá khế
Trong Đông y, lá khế có vị chua ngọt, tính bình, có tác dụng sinh tân dịch. Còn có tác dụng giải khát, lợi tiểu, trị phong nhiệt, giải độc. Có hiệu quả trong trị liệu các chứng mẩn ngứa, mề đay.
– Cách sử dụng: Một nắm lá khế tươi rửa sạch, bỏ vào chảo rang cho đến khi héo thì tắt bếp. Chờ cho lá nguội bớt thì dùng để chà lên vùng da bị mẩn ngứa; làm lại vài lần cho đến khi khỏi hẳn. Cũng có thể đun nước tắm hàng ngày bằng lá khế.
5. Lá rau hẹ
Rau hẹ ngoài việc dùng làm món ăn còn là một vị thuốc chữa bệnh rất hiệu quả. Dân gian thường dùng rau hẹ để chữa dị ứng, mẩn ngứa.
– Cách sử dụng: Lấy lá hẹ hơ nóng trên lửa rồi xoa trực tiếp vào chỗ mẩn ngứa. Mỗi ngày làm tương tự như thế từ 2-3 lần. Cũng có thể dùng lá hẹ rửa sạch, thái nhỏ chế thêm một chút rượu trắng, một lượng nước vừa phải và sắc lấy nước uống.
6. Lá mướp
Lá mướp thường được sử dụng để trị bệnh ngứa do ghẻ nước, bệnh nấm kẽ ngón chân và kẽ ngón tay rất hiệu quả.
– Cách sử dụng: Lá mướp đem rửa sạch, rồi vò nát với một ít muối trắng; sau đó đem xát vào vùng bị ngứa hoặc giã nát đắp vào kẽ ngón chân ngón tay giúp khử nấm và khử trùng. Cũng có thể lấy lá mướp rửa sạch, giã nhỏ rồi vắt lấy nước bôi lên chỗ da bị dị ứng mỗi ngày từ 2 đến 3 lần.
7. Cây kinh giới
Kinh giới không chỉ là loại rau gia vị mà còn được dùng trong các bài thuốc chữa một số bệnh, trong đó có bệnh ngứa và bệnh dị ứng.
– Cách sử dụng: Lấy toàn bộ phần thân cây, nếu có phần ngọn mang hoa thì càng tốt. Cho vào chảo sao lên cho nóng già rồi gói vào vải gạc. Sau đó xát lên vùng da bị ngứa. Cũng có thể lấy lá kinh giới tươi giã nhỏ rồi trộn với một chút rượu trắng và bôi lên chỗ da mẩn ngứa.
8. Lá trầu không
Lá trầu không được sử dụng rất phổ biến trong điều trị các bệnh ngoài da. Theo y học cổ truyền, lá trầu có vị cay nồng, tính ấm, có tác dụng chống ngứa, trị bệnh tán hàn và khu phong. Trầu không thường được dùng để nấu nước tắm nhằm giảm ngứa, phát ban do mề đay và dị ứng thời tiết.
– Cách sử dụng: 2 nắm lá trầu không rửa sạch và cắt nhỏ hoặc vò nát. Tiếp theo lấy khoảng 1.5 – 2 lít nước đun sối rồi cho lá trầu vào, tắt bếp và đậy kín nắp trong khoảng từ 10 đến 15 phút. Hoà thêm nước mát và dùng tắm hằng ngày.
9. Lá bạc hà
Lá bạc hà có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giảm những triệu chứng khó chịu do dị ứng gây ra. Trong lá bạc hà còn chứa tinh dầu giúp gây tê, kháng viêm rất tốt cho da.
– Cách sử dụng: Cần lấy một nắm lá bạc hà và rửa sạch với nước muối. Giã nát lá bạc hà và xoa lên chỗ ngứa. Lá bạc hà nghiền nát có thể đun sôi lấy nước tắm để giúp làm dịu các cơn khó chịu trên da.