Việt Nam ngày càng có nhiều cuộc thi Hoa hậu, cũng từ đó những lùm xùm tranh cãi liên quan tới các người đẹp cũng xuất hiện tần suất dày đặc
Những lùm xùm phát ngôn gần đây của Tân Hoa hậu Thế giới người Việt khiến nhiều người ngày càng trở nên hoài nghi và ngán ngẩm với các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam, vốn xuất hiện ngày càng nhiều trong thời gian gần đây. Trong bối cảnh đó, mạng xã hội đang lan truyền clip phỏng vấn của TSKH Ngữ văn Đoàn Hương về hiện tượng và bản chất của các cuộc thi Hoa hậu bây giờ.
Từ lâu, chuyên gia Đoàn Hương đã nghi ngờ rằng mục đích của các cuộc thi sắc đẹp hiện nay, không phải chỉ để tôn vinh vẻ đẹp bên ngoài. Theo bà, thi hoa hậu là vấn đề về con người, sản phẩm của nó là biểu tượng cho sắc đẹp và văn hóa quốc gia. Vì thế, cần có quy định về chuẩn mực ứng xử cho hoa hậu, cơ chế giám sát, xử lý vi phạm rõ ràng.
Bà phát biểu: “Một lần nữa tôi lại phải đặt ra câu hỏi: Các cô gái thi hoa hậu để làm gì? Tôi hoài nghi mục đích của các cuộc thi sắc đẹp hiện nay, không phải chỉ để tôn vinh vẻ đẹp bên ngoài. Để cuộc thi hoa hậu trở nên uy tín hơn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó thí sinh phải được chọn lọc kỹ, với những tiêu chuẩn, nguyên tắc cụ thể, ít nhất phải có lý lịch tốt ở địa phương, nhà trường nơi cô ấy học. Nếu đúng nghĩa một cuộc thi hoa hậu tầm quốc gia thì người đẹp là biểu tượng cho quốc gia, cho dân tộc, phải làm được nhiều việc cho quốc gia, cho dân tộc. Nếu chúng ta coi đó là mục đích cao nhất thì cuộc thi mới đúng nghĩa và người xem mới thấy hấp dẫn. Những người đoạt vương miện cần có điều kiện cần thiết để trở thành người đẹp của đất nước.
Tiêu chí đẹp người đã có tiêu chuẩn về 3 vòng, chiều cao, khuôn mặt. Tuy nhiên, còn một tiêu chuẩn nữa không thể thiếu đó là tính nhân văn. Điểm đặc biệt của Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2016 là có tiêu chí về lòng nhân ái, rất ý nghĩa. Một người đẹp bắt buộc phải có tính nhân văn. Tuy nhiên, theo nhịp sống mới, một vài hoa hậu đã có những ứng xử không đẹp, như việc hoa hậu Kỳ Duyên hút thuốc lá. Vấn đề này xảy ra với người khác sẽ không nghiêm trọng, nhưng với một hoa hậu, đây là điều khó chấp nhận. Vì thế, giáo dục quy tắc ứng xử cho hoa hậu trước khi họ đoạt vương miện rất nên làm; sau đó, cần giám sát thực hiện chặt chẽ hơn, có quy định xử lý vi phạm rõ ràng.
Những vụ lùm xùm vừa qua, suy cho cùng lỗi ở Ban tổ chức đã không lựa chọn kỹ thí sinh, những người có thể trở thành biểu tượng cho sắc đẹp quốc gia và giáo dục họ. Tôi nghĩ rằng cần đặt ra chuẩn mực đối với hoa hậu, cả về đạo đức và nhân cách, bên cạnh học vấn. Đây là điều mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải vào cuộc và tiến hành sớm, xây dựng quy chế về chuẩn mực ứng xử, đạo đức cho hoa hậu. Bởi thi hoa hậu là vấn đề về con người, sản phẩm của cuộc thi đó là biểu tượng cho sắc đẹp và văn hóa quốc gia.
Thế giới đã có trường hợp bị tước vương miện khi hoa hậu làm ảnh hưởng đến thể diện cuộc thi của họ, nhưng chúng ta thì không. Chưa kể, ngay cả việc thi xong, Ban tổ chức, Ban giám khảo không còn đảm đương trọng trách thì ai có quyền tước vương miện hoa hậu vi phạm quy chế? Vì thế, cần có quy định rành mạch và kiểm soát chặt chẽ các cuộc thi nhan sắc, chứ không phải cứ đẩy người đẹp lên sân khấu, cho đội vương miện là xong.