Phần thi lái xe mô phỏng: Đánh đố người thi, nên bỏ…

Thời gian gần đây, các học viên, chuyên gia giao thông và các Sở GTVT địa phương đều có chung một đề xuất: Đó là cần điều chỉnh, thậm chí bỏ hẳn phần thi mô phỏng trong sát hạch giấy phép lái xe.

 

Nguyên nhân được chỉ ra: Phần thi mô phỏng lái xe ô tô chưa sát thực tế, cách tính điểm không phù hợp, đánh đố người dự thi. Liên quan nội dung này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội.

PV: Thưa ông, trước thực trạng phần mềm mô phỏng lái bị phản ứng vì thiếu thực tế, nếu xử lý tình huống sớm lập tức bị 0 điểm, nhiều lái xe có kinh nghiệm cũng rất dễ thi rớt. Ông có quan điểm thế nào về nội dung này?

Ông Bùi Danh Liên: Chúng tôi có ý kiến thế này, cái gì mới, tiến bộ thì người dân và các tài xế rất hoan nghênh. Nhưng nó phải thiết thực, mang lại lợi ích cho người dân, cho lái xe. Những việc đưa ra cần thí điểm một thời gian xem nó có hiệu quả không. Bây giờ, khoa học kỹ thuật phát triển nhanh lắm. Trình độ kỹ thuật ở ta theo chu kỳ. Mình đưa ra một cái là thiếu hiệu quả.

Tôi không lấy ví dụ gì cao xa cả. Ví dụ như giám sát hành trình chẳng hạn. Mấy năm nay thực hiện có được đâu. Vì việc chuyển dữ liệu từ máy của cá nhân về cơ sở, từ cơ sở về Cục Đường bộ không hoàn thiện. Nên cuối cùng, kết quả không tốt.

Ảnh minh họa: NLĐ

Ảnh minh họa: NLĐ

PV: Như vậy, theo ông, vấn đề chủ yếu là công nghệ làm phần mềm?

Ông Bùi Danh Liên: Tức là trình độ khoa học kỹ thuật của mình không thể hiện được ngay yêu cầu của việc đặt hàng. Công nghệ thông tin của mình còn ọc ạch lắm.

Cho nên chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, phải có thời gian kiểm nghiệm để rút kinh nghiệm, phục vụ người dân tốt hơn.

PV: Có ý kiến cho rằng, không nên đánh đồng kỹ năng sử dụng máy tính với kỹ năng lái xe. Nếu cơ quan chức năng không chỉnh sửa được phần mềm theo sát thực tế lái xe, thì chỉ nên đưa nội dung này vào chương trình giảng dạy để nâng cao kỹ năng lái xe cho học viên, không đưa phần mềm vào phần sát hạch lái xe bắt buộc…

Ông Bùi Danh Liên: Tôi cho rằng như thế là đúng. Cái mô phỏng đấy không thể có cơ sở để xác định ngay lập tức trình độ lái xe của anh. Nó đúng hay không đúng thì còn rất nhì nhằng, cũng rất khó cho người dân. Chúng tôi thấy, các Sở GTVT họ phản ánh đúng. Các bài mô phỏng nên dừng lại, cần tuân theo các tình huống thực tế, không nên đánh đố người dân như vậy.

Cục Đường bộ họ cũng tiếp thu thôi, nhưng việc phản ứng rất chậm chạp. Ở trên tranh luận với nhau khó thống nhất, không giải quyết được thì người dân rất thiệt thòi. Bản thân Bộ GTVT cũng cần đổi mới về phương pháp lãnh đạo. Vì đấy là trách nhiệm của Bộ GTVT.

PV: Xin cảm ơn ông!

Trước đề xuất của một số Sở GTVT địa phương, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc áp dụng thi mô phỏng lái xe là theo quy định của Chính phủ. Các tình huống được mô phỏng để giúp người lái nhận biết tình huống nguy hiểm, rèn phản xạ có thể ứng dụng khi đi đường. 120 tình huống mô phỏng là những trường hợp mất an toàn giao thông đã xảy ra trên thực tế được các đơn vị tổng hợp, nghiên cứu.

Đối với các góp ý từ người thi, địa phương, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết sẽ tiếp thu và sẽ có điều chỉnh phù hợp. Hiện Cục đang phối hợp cùng đơn vị xây dựng phần mềm tiến hành nghiên cứu, điều chỉnh phần mềm, khắc phục những bất cập theo hướng tạo thuận tiện cho người thi hơn. Đặc biệt, dự kiến phần thi này sẽ được loại bỏ đối với người đã có bằng lái xe nhưng phải thi lại do bằng lái quá hạn.

Như vậy, thi mô phỏng lái xe sẽ tiếp tục được áp dụng với những người đăng ký thi lần đầu. Sự thay đổi (nếu có) sẽ chỉ tới khi các văn bản quy định của pháp luật có chỉnh sửa, bổ sung sau này.

.tdi_4.td-a-rec{text-align:center}.tdi_4.td-a-rec:not(.td-a-rec-no-translate){transform:translateZ(0)}.tdi_4 .td-element-style{z-index:-1}.tdi_4.td-a-rec-img{text-align:left}.tdi_4.td-a-rec-img img{margin:0 auto 0 0}@media (max-width:767px){.tdi_4.td-a-rec-img{text-align:center}}