Nắm chắc cách phân biệt tôm, cá, ếch, lươn ‘hàng đồng’ với ‘hàng nuôi’ để mua không bị hớ

Tôm, cá, ếch, lươn sống ở đồng ruộng thường được chị em tìm mua nhiều hơn là các loại nuôi trong ao hồ. Nắm được tâm lý này, nhiều người bán đã ‘hô biến” cá nuôi thành cá đồng, lươn nuôi thành lươn đồng.

Chẳng hạn như với lươn, người ta có thể nhuộm màu lươn nuôi để khiến người mua nghĩ là lươn đồng. Tuy nhiên, có những chi tiết hình dáng mà chỉ động vật sống trong môi trường tự nhiên mới có được. Các chị cùng xem đó là gì để khi mua tự phân biệt được mà không lo bị lừa nha.

webtretho

1/ Ếch

Ếch đồng: Ếch đồng thường có thân hình ốm, dễ quan sát thấy xương sống, xương chậu lồi ra, eo đùi đều rất thon gọn. Loại này thường bẩn do bùn đất bám vào nhiều, nhất là ở chân. Chúng thường có kích thước không đều nhau, xâu ếch mà tiểu thương bày bán lớn nhỏ có đủ. Khi chế biến, nếu thật sự là ếch đồng thì thịt sẽ không teo lại nhiều, có mùi thơm, cắn vào dai dai. Ếch đồng thường có giá bán trên 100.000đ/kg.

webtretho

Ếch đồng (Ảnh: banhcanhcaloconu.com)

Ếch nuôi: Thân hình mũm mĩm, tay chân nhiều thịt, trông rất sạch, ít dính bùn đất. Loại này, xâu ếch khá đồng đều về kích thước. Khi nấu chín, thịt teo hơn nhiều so với khi ếch còn sống, dễ ngửi được mùi kháng sinh trong thịt, cắn thịt mềm mềm. Ếch đồng thường có giá bán từ 40.000 – 60.000đ/kg.

2/ Lươn

Lươn đồng: Lươn nhìn ốm, bụng có màu vàng nghệ, đuôi dài nhọn. Thường phần màu sắc của lươn, người ta có thể nhuộm màu lươn nuôi để khiến người mua nghĩ là lươn đồng, nhưng đuôi của lươn nuôi sẽ không nhọn và dài. Lươn đồng thường nhẹ cân, chỉ khoảng 500 – 600gr và có giá từ 200.000đ/kg.

Lươn nuôi: Bụng lươn nuôi có màu nâu đen xen lẫn màu vàng nhạt. Thịt lươn nuôi sau khi chế biến thường bở, không chắc. Giá lươn nuôi từ 80.000 – 100.000đ/kg.

3/ Cá lóc

Cá lóc đồng: Vì cá sống trong môi trường đồng ruộng, ao hồ tự nhiên nên thường chui vào bùn khiến vảy có màu đen đậm. Cá thường nhỏ, ốm, nhiều xương nhưng chắc thịt, đầu cá gọn. Để chọn được cá lóc ngon, chị em nên mua cá khoảng từ 0,5kg – 1kg. Giá bán của cá lóc đồng thường khoảng 120.000đ/kg.

Cá lóc nuôi: Cá này được nuôi trong ao hồ nhân tạo, ánh sáng mặt trời chiếu vào, bảo vệ bởi các túi lưới, nên cá thường có màu xám. Hình dáng cá mập mạp, nhiều thịt, đầu cá to tròn. Cá lóc nuôi thường có giá từ 60.000 – 70.000đ/kg.

4/ Cá rô

Cá rô đồng: Dù ở trên mâm của tiểu thương, nhưng cá rô đồng sẽ không nằm yên, thường nhảy cao vì cá rất khỏe. Cá có màu đen, thân hình thon gọn, ốm nên cá to lắm cũng chỉ lớn hơn 3 ngón tay ghép lại một chút. Cá rô đồng thường có giá từ 80.000 – 100.000đ/kg.

Cá rô nuôi: Cá rô nuôi thường không thể nhảy cao như cá rô đồng và chỉ đập đuôi lạch bạch trên mâm. Cá màu xám, thân to mập nên cá thường lớn nặng từ 300gr – 500gr, giá khoảng 40.000 – 50.000đ/kg.

5/ Cá trê

Cá trê sông: Trong các loại cá trê sông thì cá trê vàng được ưa thích nhất. Để nhận biết cá trê vàng các chị có thể nhìn vào phần da, nếu đúng thì da cá màu vàng và đốm bông. Ngoài ra, sẽ có một đường viền bo cong nằm ở vị trí của sọ cá, nơi nối tiếp với thân mình của cá.

webtretho

Cá trê vàng (Ảnh: banhcanhcaloconu.com)

Cá trê nuôi: Với loại cá này, chị em cũng nhớ chú ý quan sát đường viền trên sọ cá, nếu nó có hình dạng như chữ M là cá trê nuôi. Bên cạnh đó, cá sẽ có thân màu đen nhưng trắng ở phần bụng.

6/Tôm bạc

Tôm bạc đất sông: Nên chọn mâm nào của người bán có tôm không đồng đều về kích cỡ, do tôm phát triển tự nhiên không được chăm sóc đồng đều. Tôm bạc đất sông thường có vỏ cứng, dày, khi bóp vào thân tôm thì vỏ rất cứng, không hề móp méo. Khi hấp, nướng hoặc nấu canh, thịt tôm cũng không teo lại nhiều, cắn vào thịt chắc và có vị ngọt.

Tôm bạc đất nuôi: Nếu mâm tôm của tiểu thương mà các con đều nhau về kích thước thì đây là loại tôm bạc đất nuôi được chăm sóc, cho ăn kỹ càng, phát triển đồng đều. Tôm này khi sờ vào thì vỏ khá mềm. Nấu chín, tôm teo lại, khi ăn thịt không chắc và ngọt như tôm bạc đất sông.

7/ Tôm càng

Tôm càng sông: Dùng tay chạm vào vỏ có cảm giác cứng, nhất là đầu tôm. Hình dáng tôm mập, to, nhiều thịt nhưng đầu lại nhọn và nhỏ.

webtretho

Tôm càng sông (Ảnh: banhcanhcaloconu.com)

Tôm càng nuôi: Tôm càng nuôi thường có thân hình ốm, ít thịt nhưng đầu thì lại rất to, nhìn tổng thể hình dáng không cân xứng. Khi ăn, tôm không chắc thịt, không ngon như tôm càng sông.

Nếu muốn có một bữa ăn ngon từ tôm, chị em nên mua loại tôm càng lửa, sở dĩ có tên như vậy là do càng cua có màu đỏ, đầu tôm có gạch to màu đỏ hồng. Loại tôm này khi ăn, chị em sẽ thưởng thức được vị béo từ gạch tôm và vị ngọt từ thịt.