Củ khoai lang mọc mầm có nên ăn không, chúng tăng dinh dưỡng hay giảm dinh dưỡng? Rất nhiều người hiểu lầm điều này

Khoai lang là loại củ thường gặp trong ẩm thực Việt Nam và là loại củ ăn ngon ngọt nhưng chúng cũng rất dễ bị lên mầm.

 

Xét về giá trị dinh dưỡng khoai lang là củ giàu dinh dưỡng, dễ ăn và được bán phổ biến. Khoai được cho là nguồn cung cấp vitamin chống cảm cúm tốt. Khoai lang giàu chất xơ và tăng cường tiêu hóa nên được xem là loại củ hỗ trợ giảm cân.

Nhiều loại củ hạt nẩy mầm sẽ làm tăng giá trị như các loại rau mầm, hạt lạc, còn khoai lang mọc mầm thì sao?

Khoai lang giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe nhưng khi mọc mầm thì cần chú ý
Khoai lang giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe nhưng khi mọc mầm thì cần chú ý

 

Khoai lang mọc mầm

Trong các loại rau củ, chỉ có khoai tây mọc mầm là độc vì sản sinh ra solanine, một chất rất độc có thể ăn mòn dạ dày, gây tán huyết và làm tê liệt trung khu thần kinh. Các cách chế biến bình thường không thể phá hủy được chất độc này; việc cắt bỏ những chỗ xanh xung quanh mầm khoai tây cũng không chắc loại hết độc tố.

Còn khoai lang mọc mầm thì không nảy sinh độc tố này. Khoai lang mọc mầm thì dinh dưỡng đã nuôi mầm và lá nên củ sẽ giảm độ ngọt, ăn không còn thơm. Mùi vị khoai sẽ thay đổi và vitamin khoáng chất giảm đi vì đã nuôi mầm.

Khoai lang mọc mầm vẫn ăn được nếu chúng không bị mốc, không có vết đen. Khi khoai lang mọc mầm kèm theo dấu hiệu mốc, bị thâm đen thì là lúc khoai có nguy cơ sinh ra chất ipomeamarone. Đây là một độc tố khiến khoai có vị đắng và độc tố này gây hại cơ thể.

Do đó khi khoai lang đã mọc mầm dài thì nên hạn chế ăn, và nếu có thêm vệt đen nấm mốc thì cần bỏ đi tránh ngộ độc.

Khoai lang lên mầm không có độc nhưng nếu nó có nấm mốc vệt đen thì nguy cơ sẽ bị độc
Khoai lang lên mầm không có độc nhưng nếu nó có nấm mốc vệt đen thì nguy cơ sẽ bị độc

 

Cách bảo quản khoai lang không mọc mầm

Để bảo quản khoai lang được lâu, trước hết bạn cần chú ý chọn được những củ còn tươi, cứng, không bị thâm, dập, nứt thân. Nên chọn khoai có kích thước vừa phải, tránh những củ các đốm nâu hoặc bị sâu.

Khoai lang dễ mọc mầm ở môi trường đủ ánh sáng và độ ẩm. Do đó nên bọc khoai lang trong giấy báo,cất nơi thoáng mát, khô ráo. Không được dùng túi nylon để bọc kín khoai lang vì sẽ khiến khoai bị ẩm, dễ mọc mầm.

Không nên bảo quản khoai lang trong tủ lạnh vì nhiệt độ kín trong tủ lạnh làm khoai lang dễ bị biến chất, hơn nữa vỏ khoai sẽ bị khô lại, nhăn nheo, ảnh hưởng đến kết cấu và mùi vị, khiến khoai không còn ngon.

Khoai lang nếu được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng khí, nhiệt độ khoảng 21 độ C thì có thể để được khoảng 1 đến 2 tuần. Sau đó, nó sẽ bắt đầu quá trình mọc mầm thuận theo tự nhiên.

Nếu bảo quản ở nhiệt độ cao hơn, khoai lang sẽ dễ mọc mầm hơn; còn ở nhiệt độ từ 12 – 14 độ C thì khoai lang sẽ không mọc mầm.