Không mua nhà trước tuổi 30 để tăng gấp ba lần tài sản

35 tuổi, sở hữu khối tài sản gần hai tỷ đồng, nhưng tôi vẫn chọn ở nhà thuê thay vì ‘ném tiền’ vào tiêu sản.

Tôi năm nay 35 tuổi, còn độc thân, đang làm ngân hàng. Năm 29 tuổi, sau quãng thời gian phấn đấu cho sự nghiệp (ngoài làm công việc chính, tôi còn nhận làm thêm một số dự án bên ngoài), tôi tích lũy được một khoản 300 triệu đồng, cộng thêm số tiền ba mẹ cho trước đó, tôi dồn lại được khoảng 600 triệu đồng tích trữ. Đứng trước cái ngưỡng 30 tuổi, nhiều người thường muốn làm một việc gì đó lớn để ghi lại cột mốc đáng nhớ này. Thế nhưng tôi lại không giống vậy

Nhìn bạn bè xung quanh người mua nhà, người sắm ôtô, bản thân tôi cũng không hề muốn mình chỉ để tiền tiết kiệm. Thế nhưng, thay vì mua nhà hay xe như chúng bạn, tôi chọn mang tiền đi học thêm và đầu tư chứng khoán một cách nghiêm túc. Với tôi, không nên mua nhà trước tuổi 30 nếu không muốn tự biến mình thành con nợ, mua rồi đầu óc lúc nào cũng sẽ ám ảnh chuyện tiền bạc.

Thêm vào đó, mua nhà mà chỉ để ở thì cũng chỉ là tiêu sản. Bạn sẽ vô tình phải gánh theo một khoản nợ lớn. Tất nhiên, nếu bạn có ý định đầu tư vào bất động sản để sau này bán kiếm lời thì lại là một chuyện khác. Muốn vậy, bạn cần chọn vị trí tốt, dễ thanh khoản, lãi suất vay thấp và không mua qua “cò mồi”, có thể trả tiền theo đợt thì càng tốt.

Nhiều khi mắc nợ cũng là điều hay, nó sẽ cho bạn động lực để phấn đấu, nhưng bạn luôn phải đảm bảo khoản nợ đó nằm trong khả năng của bản thân. Đừng nhắm mắt vay liều để rồi cả đời phải đi trả nợ.

Ở nước ngoài, nhất là các nước phương Tây, ở nhà thuê là chuyện hết sức bình thường. Người ta sẽkhông “nướng” toàn bộ tài sản của mình để đi mua nhà (tiêu sản). Cách dùng tiền thông minh nhất là đầu tư, nhất là đầu tư kiến thức. Cụ thể ở đây là đầu tư nâng cao trình độ học vấn về một lĩnh vực nào đó để tạo nền tảng tạo ra giá trị tài sản lớn hơn, chứ không phải học để lấy vài ba tấm bằng Thạc sĩ cho “oai”.

Nhà về cơ bản là nơi tiêu tiền. Nếu có nhà sớm, bạn sẽ phải đau đầu vì nhiều khoản phát sinh mỗi tháng như tiền điện, nước, mua sắm vật dụng, thuế, phí… Vậy nên, nếu đủ tự tin rằng mình sẽ lo liệu được tất cả những khoản đó, bạn hãy nghĩ đến chuyện mua nhà.

Thực tế, người giàu thường có thói quen coi cơ sở sản xuất kinh doanh là tài sản lớn nhất chứ không phải ngôi nhà. Trong khi đó, ngược lại, người nghèo lại thường có xu hướng coi nhà là tài sản lớn nhất, để rồi tự biến mình trở thành “nô lệ của đồng tiền”.

Với 600 triệu đồng trước năm 30 tuổi, sau 5 năm, tôi vẫn ở nhà thuê, nhưng lương tháng giờ đã chạm ngưỡng 50 triệu đồng, tài sản đã tăng gấp ba lần và nhất là không thành con nợ. Thời gian tới, có lẽ tôi sẽ đem tiền mua nhà, nhưng không phải để ở mà là để đầu tư.

Tôi vẫn sẽ ở nhà thuê còn căn nhà sắp mua sẽ để cho thuê lại, chờ được giá rồi bán kiếm lời. Với tôi, căn nhà chính chủ không làm nên giá trị một con người, nó cũng chỉ như cái áo bạn mặc bên ngoài mà thôi.

Ở nhà thuê chẳng có gì là kém cỏi, miễn là bạn thấy thoải mái với mái ấm của mình. Sau này nhìn lại, các bạn sẽ hiểu làm chủ cuộc đời mình luôn tốt hơn làm chủ một ngôi nhà vô tri vô giác.