Tôi bị gọi là ‘vô văn hóa’ vì đỗ xe trước cửa nhà người khác

‘Không có mắt à, biết đọc chữ không?’, người phụ nữ hằn học chỉ vào tấm biển viết tay, nói tôi ‘vô văn hóa’ vì đậu xe trước cửa nhà.

Bất kỳ ai từng đi ôtô ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM có lẽ đều ít nhất một lần rơi vào tình cảnh như vậy. Dù đã chú ý quan sát biển báo và tế nhị chừa khoảng trống ra vào cho chủ nhà trước khi dừng đỗ xe, nhưng tôi vẫn phải nhận những lời chửi mắng có phần lỗ mãng từ người chủ nhà. Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in những lời nói của cô gái: “Không có mắt à, mù chữ à, có biết đọc biển báo không?”, vừa nói cô vừa chỉ tay về tấm bảng treo trên cây gần đó với dòng chữ viết tay – “Không đỗ xe trước cửa nhà”.

Dĩ nhiên, là một người được học hành đàng hoàng, được cấp giấy phép lái xe hẳn hoi, tôi đủ nhận thức để biết mình không được đỗ xe ở những nơi có biển cấm đỗ, hay tại các vị trí được quy định trong Luật giao thông đường bộ và luôn chủ động nhìn trước ngó sau, tránh làm ảnh hưởng tới nhà dân xung quanh. Tuy nhiên, chẳng có điều luật nào nói rằng tôi không được đỗ xe ở những nơi mà chủ nhà không cho phép hay phải tuân thủ cả những biển cấm tự viết của người khác như vậy.

Không phải ai cũng có thẩm quyền cấm, hay yêu cầu những người khác không được dừng xe, đỗ xe tại một vị trí nào đó. Đó là công việc của cơ quan chức năng. Nhưng thực tế, rất nhiều người Việt đang lẫn lộn giữa sở hữu tư nhân và sở hữu công cộng. Bạn có nhà mặt tiền đường, quyền ra vào là của bạn, không ai được phép xâm phạm. Nhưng vỉa hè, lề đường trước nhà không phải là của bạn, mà nó thuộc sở hữu công cộng, tức ai cũng có quyền sử dụng nếu pháp luật không cấm. Bạn không có quyền cho phép hay không cho phép một ai đỗ xe hay được dừng lại trước cửa nhà mình.

Luật pháp Việt Nam có tương đối rõ ràng các quy định về quyền sở hữu, hệ thống biển báo cũng rất đầy đủ để giúp mọi người nhận ra và tuân thủ các quy định. Nhưng tiếc rằng, hiện tượng lạm quyền đang diễn ra ngày một nhiều. Đi trên các con phố thủ đô thời gian gần đây, đặc biệt là các khu phố buôn bán, kinh doanh tấp nập, không khó để tôi nhìn thấy những tấm biển viết tay được người ta đặt án ngữ trên vỉa hè như: “Không đỗ xe ở đây”, “Chỗ đỗ xe của chủ nhà”, “Cấm dừng đỗ trước cửa hàng”… Tôi tự hỏi, từ khi nào người ta tự cho mình cái quyền cấm cản vô tội vạ như vậy?

Việt Nam là một đất nước sống và làm việc dựa trên việc tuân thủ pháp luật. Nhưng khi người Việt còn chưa có thượng tôn pháp luật thì đừng nói đến văn hóa. Chẳng có ai tự xưng là người có văn hóa nhưng lại coi thường pháp luật cả. Tôi đỗ xe trên đoạn đường không bị cấm, nhưng bạn lại lao ra cấm cản, vậy ai mới là người thiếu văn hóa ở đây?

Tất nhiên, tôi hiểu rằng, đây là một câu chuyện nhạy cảm bởi bản thân những người chủ nhà cũng có cái lý của mình. Nhưng tôi vẫn phải nhấn mạnh rằng, bất cứ hành động nào cũng cần dựa trên luật pháp. Nếu bạn có cửa hàng kinh doanh trên phố, muốn giữ chỗ dừng xe riêng cho khách hàng của mình, hay có ôtô muốn ra vào nhà riêng thì cứ việc xin cấp phép và đóng phí cho Sở Giao thông, nếu được chấp thuận, cơ quan chức năng sẽ kẻ vạch cấm dừng đỗ theo đúng quy định. Lúc đó, bất cứ ai dừng đỗ tại đó đều là vi phạm pháp luật và bị xử phạt. Còn nếu không, chính bạn mới là người sai nếu cấm cản người khác đỗ xe ở những nơi không bị cấm.

Quay trở lại với câu chuyện mà tôi mới gặp phải. Sau một hồi phân bua với nữ chủ nhà nhưng bất thành, tôi đành tặc lưỡi đánh xe đi chỗ khác. Tôi chịu thua không phải vì nhận mình sai mà vì không muốn dính vào mấy chuyện lùm xùm không đáng có này. Thay đổi nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân không phải chuyện có thể làm một sớm một chiều. Tôi mong các cơ quan chức năng sẽ sớm tăng cường phổ biến pháp luật để người dân hiểu rõ hơn về quyền sở hữu của mình, tránh những chuyện xích mích vì chỗ đỗ xe như suốt thời gian qua.