Cháu thì có khi chả nhớ mặt nhưng lại muốn nhận lòng hiếu thảo.
Thời bây giờ vợ chồng bỏ nhau thì không hiếm nhưng thời của mẹ tôi cách đây 30 năm thì đấy quả thật là chuyện chẳng dễ dàng gì với một người phụ nữ. Ấy vậy mà lúc ấy, mẹ tôi một nách 2 đứa con vẫn không thể chịu nổi mà dứt áo ra đi.
Lúc bố mẹ tôi ly hôn thì tôi 8 tuổi, em trai mới lên 2. Mẹ tôi thời điểm đó ngoài công việc nhà nước lương ở mức khá thấp ra thì không có thêm bất kỳ thu nhập nào khác. Thật ra, chăm sóc 2 đứa con nhỏ, đứa út vẫn còn trong giai đoạn bám mẹ thì dù là thời đại nào phụ nữ cũng khó lòng mà tự chủ kinh tế được.
Khó khăn là vậy nhưng mẹ tôi vẫn nuôi cả hai chị em tôi. Tất nhiên là mẹ không muốn để người vô trách nhiệm, sống hời hợt lại còn trăng hoa như bố tôi nuôi con rồi, thế nhưng điều đáng nói là cả nhà nội tôi đều đùn đẩy chuyện nuôi con cháu cho nhà ngoại hết.
Lúc mẹ tôi mang thai em trai thì bố đã cặp hết cô này đến cô khác rồi nên ngay từ lúc đó tình cảm đôi bên đều đã sứt mẻ. Ông bà nội tôi đã không vun vào cho con cái rồi còn cổ súy bố bỏ mẹ tôi nữa cơ.
Bố tôi cặp kè bên ngoài nhiều lần, ông bà nội biết còn tự hào vì con mình đào hoa nên gái theo thành hàng dài. Bà còn lấy chuyện đó ra để dọa mẹ tôi là con trai bà thiếu gì gái, mẹ tôi mà không biết điều thì con trai bà bỏ trong phút mốt. Mẹ tôi nhiều lần nhẫn nhịn vì thương con nhỏ nhưng càng nhịn thì người ta lại càng lấn tới.
Từ ngày mẹ sinh em trai, bà nội liên tục xúi bố tôi bỏ vợ vì mẹ tôi lúc này đã bắt đầu phản kháng với những hành động quá quắt của bà. Bởi vì không vừa ý con dâu, bà tuyệt nhiên không thèm nhìn mặt cháu luôn. Nói thì buồn cười chứ ông bà nội tôi không hề biết mặt em trai tôi vì chưa từng gặp lần nào, nếu có thì chắc là do bố tôi đưa ảnh cho xem mà thôi.
Mẹ tôi trăm đắng nghìn cay vẫn cố nhẫn nhịn để con trai cứng cáp hơn một chút rồi mới dứt áo ra đi chứ thật lòng mà nói mẹ đã xác định đường ai nấy đi từ lâu rồi. Đến khi mẹ tôi gửi đơn ly hôn, bà nội còn đến tận tòa án để chửi con dâu, chửi đến mức mà tòa người ta phải mời về vì gây rối trật tự.
Và đương nhiên, với sự cay nghiệt đó của bà thì bố tôi một xu cũng không hề chu cấp cho hai đứa con. Mẹ tôi sớm đã biết trước điều này nên cũng sẵn sàng tâm lý để đối mặt với khó khắn.
Kể từ đó sáng mẹ đi làm, chiều về chăm sóc con cái, tối nhận may quần áo để tăng thêm thu nhập. Dần dần cuộc sống đi vào ổn định.
Điều buồn cười là dù chưa một lần gặp mặt em trai tôi nhưng ông bà thường xuyên rêu rao rằng thằng út là cháu đích tôn của ông bà nên kể cả ông bà không nuôi thì sau này nó cũng tìm về, lá thì rụng về cội.
Năm thằng út học cấp hai, lúc ấy bố tôi cũng đã lớn tuổi, lấy thêm 4 đời vợ nữa nhưng chỉ toàn sinh con gái mà thôi. Lúc này bà nội tôi cho người đến tận trường đợi thằng bé tan học để đón nói về “nuôi tiếp”. Nói chung là vì thấy không đẻ nổi thêm thằng con trai nào nữa nên muốn đón thằng cháu duy nhất về. Đương nhiên em tôi không chịu, nó mách bảo vệ có người bắt cóc và cố thủ bằng được trong trường đợi bác tôi đến đón.
Trong suốt những năm sau đó thì nhà nội tôi vẫn thường xuyên gây sự với mẹ tôi để “tranh cướp” thằng út. Cũng may tôi là con gái nên nhà đó tuyệt nhiên chả thèm quan tâm. Có lần còn đến tận cơ quan của mẹ tôi để đòi cháu, bảo vệ người ta thiếu nước gọi công an đến nữa thôi.
Bây giờ thằng út nó đi làm kiếm tiền được rồi, tuổi trẻ bây giờ chúng nó nhanh nhạy làm kinh tế tốt lắm. Thế là nhà kia lại tiếp tục thường xuyên làm phiền thằng bé, còn giở giọng dạy nó là phải biết đến nguồn gốc của mình, lá thì phải rụng về cội.
Thằng út nhà tôi nó cười mãi vì cái câu “lá rụng về cội” của nhà nội. Nuôi không nuôi ngày nào, chữ không dạy chữ nào, cơm không cho hạt nào nhưng lại vẫn muốn nhận cháu đích tôn. Nhân không reo hạt nào nhưng thấy quả ngọt thì lại vẫn muốn ăn. Tôi không có tư tưởng trọng nam khinh nữ nhưng với những gia đình mà quá coi trọng con trai như nhà nội tội thì chuyện đẻ mãi không được thằng cháu nào nữa quả thực là ông trời có mắt!