Xe ôm công nghệ, shipper bị CSGT phạt vì dùng điện thoại khi lái xe, trong đó có việc đeo tai nghe, dùng tay bấm điện thoại… nhiều bạn đọc đã nêu thắc mắc xung quanh vấn đề này.
Hơn một nửa ý kiến bình luận cho rằng việc đeo tai nghe khi lái xe sẽ không nghe thấy âm thanh xung quanh, rất nguy hiểm. Ở chiều ngược lại, có người than thở rằng: “Xe ôm công nghệ, tài xế công nghệ… mà không dùng công nghệ thì sao làm việc được?”. Người khác lại thắc mắc: “Tại sao người lái ô tô có thể đeo tai nghe, xem màn hình khi lái xe, còn người đi xe máy thì bị CSGT phạt?”.
Cần có quy định rõ ràng
Từ Bình Định vào TP.HCM lập nghiệp, anh Ngọc Thành (xe ôm công nghệ) hoàn toàn không biết đường sá TP.HCM. Dù vậy, từ ngày đăng ký chạy xe ôm công nghệ cho một hãng nổi tiếng, anh khá tự tin vì trên ứng dụng có chỉ đường chi tiết.
“Khi tôi bấm nhận cuốc xong, ứng dụng sẽ hiển thị đi đường nào, tới đâu thì rẽ phải, rẽ trái… Điện thoại thời gian đầu tôi để ở túi quần, đi tới đâu mở ra xem đường tới đó nhưng thấy bất tiện nên sau tôi đeo tai nghe để nghe ứng dụng chỉ đường đi”, anh Thành chia sẻ.
Tài xế công nghệ Minh Thiện thì gắn cố định điện thoại di động ở đầu xe máy và đeo tai nghe vì không muốn cầm trực tiếp điện thoại trên tay. Anh giải thích: “Điện thoại cầm trên tay khi bấm hay nghe gọi không đề phòng rất dễ bị giật mất. Tôi đeo tai nghe để gọi khách và nghe bản đồ chỉ đường cho tiện”.
Lãnh đạo một đội CSGT cho hay, CSGT đã xử phạt nhiều người vừa chạy xe máy vừa đeo tai nghe, trong đó có nhiều người làm xe ôm công nghệ, shipper. Nhiều người khi bị báo lỗi, không biết rằng đây là hành vi vi phạm.
Theo lãnh đạo đội CSGT này: “Luật hiện chỉ quy định xử phạt người điều khiển xe máy có hành vi sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính mà không có quy định với trường hợp của người lái ô tô. Do vậy, CSGT chỉ phạt khi trực tiếp phát hiện tài xế ô tô dùng tay sử dụng điện thoại, còn khi tài xế ô tô đeo tai nghe hay mở màn hình trong xe ô tô xem phim thì khó xử lý, dễ tranh cãi”.
Trao đổi với PV, một cán bộ nghiên cứu luật Giao thông đường bộ cho rằng cùng hành vi đeo tai nghe khi lái xe nhưng người chạy xe máy bị CSGT phạt, còn lái ô tô không bị phạt là bất hợp lý. “Dù đi ô tô hay xe máy, nếu đeo tai nghe thì mức độ mất tập trung là như nhau. Vì vậy, nếu cấm thì nên cấm cả người đi ô tô cũng như xe máy và quy định rõ ràng để tránh cãi nhau”, vị này nêu ý kiến.
Luật sư nói gì?
Luật sư (LS) Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn LS TP.HCM cho hay, đeo tai nghe trong khi lái xe máy hiện được xem là vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, hành vi này có thể dẫn đến việc sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, Nghị định 100/2019 sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021 quy định phạt tiền từ 800.000 – 1.000.000 đồng và tước bằng lái từ 1 – 3 tháng với hành vi người đi xe máy sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.
Theo LS Đỗ Ngọc Thanh, đối với người đi ô tô, Nghị định chỉ nhắc đến hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường thì có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 – 3.000.000 đồng và tước bằng lái 1 – 3 tháng.
“Đối với việc người lái ô tô sử dụng tai nghe hay thiết bị âm thanh thì không có quy định cụ thể trong Nghị định 100/2019 về xử phạt hành chính. Cho nên người lái ô tô sử dụng tai nghe hay thiết bị âm thanh khiến cho việc này không bị coi là hành vi vi phạm pháp luật hành chính. Tuy nhiên, từ góc độ an toàn giao thông, việc sử dụng tai nghe khi lái ô tô cần được xem xét cấm sử dụng. Việc sử dụng tai nghe có thể cản trở khả năng của tài xế trong việc nhận biết các tín hiệu âm thanh từ môi trường xung quanh, như tiếng còi xe, tiếng động cơ của các phương tiện khác, hoặc các tín hiệu cảnh báo khẩn cấp, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn”, LS Đỗ Ngọc Thanh nêu quan điểm.