Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Hứa (Trung Quốc) đang được nhiều người quan tâm trên nền tảng Toutiao.
Tôi và người chồng đầu tiên là bạn cùng lớp đại học. Mối quan hệ của chúng tôi vô cùng hòa hợp nên nhanh chóng đi đến kết hôn, sau khi hoàn thành 4 năm học.
May mắn, cuộc sống hôn nhân của chúng tôi không có nhiều đổi khác, vẫn vô cùng hạnh phúc. Sau khoảng 2 năm kể từ ngày cưới, gia đình tôi đón thêm thành viên mới. Tôi vẫn còn nhớ y nguyên cảm xúc của anh khi biết được tin vui này.
Tuy nhiên, niềm hạnh phúc ấy chẳng kéo dài được bao lâu. Trong chuyến công tác ngày hôm đó, tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ số lạ. Đầu dây bên kia thông báo, chồng tôi đã bị tai nạn và không qua khỏi. Đây có lẽ là cú sốc lớn nhất trong đời mà tôi phải đối diện. Song, với sự an ủi, động viên của mọi người, tôi dần cố gắng vượt qua để trở thành điểm tựa cho đứa con gái bé bỏng của mình.
Sau khoảng 3 tháng kể từ ngày chồng qua đời, công ty bảo hiểm liên hệ với tôi để trả tiền bồi thường 600.000 NDT. Trước khi đến, tôi đã có quan điểm rõ ràng là sẽ trao lại số tiền này cho bố mẹ chồng. Bởi tôi biết rằng ông bà không có lương hưu, lại chẳng có tiền tiết kiệm. Nên tôi muốn đưa số tiền này để 2 người có một khoản phòng thân nhằm dựa vào nếu sau này gặp khó khăn gì. Tôi còn trẻ nên vẫn có cơ hội đi làm để kiếm tiền, lo cho tương lai của mình và con.
Mẹ chồng luôn thương tôi như con gái ruột. Ảnh minh họa.
Sau khoảng 20 năm ở vậy, tôi bước vào một mối quan hệ mới với 1 người đàn ông đã từng lỡ 1 lần đò. Trải qua gần 2 năm tìm hiểu, tôi đồng ý lời cầu hôn của anh. Chúng tôi cũng lên kế hoạch tổ chức một đám cưới nhỏ nhằm thông báo với những người thân thiết nhất.
Tuy nhiên, trước 1 ngày tổ chức hôn lễ, tôi bất ngờ nhận được thông báo tài khoản ngân hàng được cộng thêm 600.000 NDT (khoảng 2 tỷ đồng) từ mẹ chồng cũ. Khá sững sờ, tôi vội vàng gọi điện cho bà để hỏi về số tiền này.
Ở đầu dây bên kia, bà nói với giọng khàn khàn: “Con gái à, con hãy gọi bố mẹ là bố mẹ ruột. Ở kiếp này, gia đình mình đã nhận con là con gái. Trong suốt thời gian qua, bố mẹ không giúp được gì cho con, chỉ thêm gánh nặng. Ngày mai, con sẽ kết hôn với người đàn ông mới. 600.000 NDT này là số tiền mà bố mẹ mừng cho con. Bố mẹ già rồi cũng không tiêu nhiều đến thế.
Cả nhà chúng ta mong con được hạnh phúc. Đây cũng là mong ước của chồng con ở trên thiên đàng. Ngày mai, bố mẹ có việc nên không thể tham gia buổi lễ trọng đại này. Mong con thông cảm”.
Ngay khi bà cúp điện thoại xuống, nước mắt tôi trào ra. Sau đó, tôi kể câu chuyện này với người chồng sắp kết hôn. Tôi ngỏ ý sẽ trả lại số tiền này và vẫn muốn chăm sóc bố mẹ của người chồng đầu tiên.
Tuy nhiên, khi nghe thấy ý tưởng này, anh chồng sắp cưới của tôi tỏ thái độ không đồng tình. Anh nói rằng đó là một ý tưởng tồi. “Nếu không nhận 600.000 NDT tại sao chúng ta phải lo cho họ đến hết cuộc đời? Chẳng phải em đang tự tạo áp lực cho chính mình sao? Số tiền đó đủ để 2 người họ sống thoải mái. Anh không thể lo cho cho con của em, lại cả bố mẹ chồng cũ của em”, người đàn ông này bày tỏ.
Ngay khi nghe những lời này, tôi mỉm cười buồn bã và nói: “Em xin lỗi. Em thấy chúng ta không phù hợp để kết hôn. Họ cũng là gia đình của em và em không bao giờ từ bỏ họ”.
Trước nay, tôi vẫn lầm tưởng rằng người đàn ông này sẽ là bến đỗ hạnh phúc mới. Anh ấy sẽ cùng tôi lo toan mọi việc, kể cả bố mẹ chồng cũ. Nhưng có lẽ, tôi đã nhầm. Ngày hôm đó, tôi và anh đã quyết định hủy hôn trước khi tổ chức hôn lễ đúng 1 ngày.