Gửi con cho bà nội, cả ngày bà cho cháu ngồi xem tivi, con tôi gần 2 tuổi chưa biết nói: Tôi ân hận vô cùng

Không biết mọi người thế nào chứ bản thân tôi hiện giờ đang rất hối hận vì đã gửi con cho bà nội!

 

Từ ngày sinh xong đi làm lại, tôi gửi con cho bà nội. Lúc đó, tôi có cảm giác yên tâm vì nghĩ, mẹ chồng ở nhà sẽ chăm tốt cho con của mình. Nếu đi thuê người giúp việc thì dù là người tốt đến mấy cũng không thể yêu thương con mình như bà nội của nó được.

Thế nhưng, thực tế lại không như tôi nghĩ.

Con được 5 tháng, để ở nhà cho bà trông nom, tôi đã dặn, bà ở nhà chịu khó cho cháu sang hàng xóm chơi, tiếp xúc với trẻ con khác, cháu sẽ nhanh biết nói, nhanh phát triển ngôn ngữ trí não hơn.

Mẹ chồng tôi cũng đồng ý nhưng mà bà gật đầu cho xong chuyện hay sao ấy. Tối nào về tới nhà, tôi cũng thấy đúng cảnh là bà và cháu ngồi xem tivi với nhau. Có hôm, thấy bà bế con ngồi xem tivi, cháu ngủ lúc nào bà cũng không hay, gục trên tay bà, vì bà còn mải theo dõi phần hấp dẫn của bộ phim.

Mẹ chồng tôi có thể không ăn nhưng không thể không xem tivi, bà nghiện tivi vô cùng. Cứ là chương trình gì trên tivi thì mẹ chồng tôi đều biết, đều xem hết. Bất cứ một bộ phim gì, dù là đêm hay ngày, mẹ đều không bỏ qua.

Tôi cũng hiểu, mẹ đã nghỉ hưu, ở nhà không có việc gì làm nên chỉ ngồi xem tivi. Người già lại không ngủ được nhiều nên cũng đành vậy. Tôi biết mẹ phải xem tivi là lẽ thường. Nhưng việc mẹ xem nhiều quá, rồi bế cháu cho cháu xem luôn khiến cháu bị nghiện tivi. Nghiện là một chuyện, xem tivi còn gây hại mắt, hại trí tuệ của một đứa trẻ mới được vài tháng.

Có hôm chủ nhật tôi được nghỉ, bà cứ giành bế cháu rồi 2 bà cháu ngồi xem tivi cả ngày, còn tôi dọn dẹp nấu nướng. Tôi bảo mẹ ra ngoài cho cháu đi chơi với trẻ con hàng xóm, hóng nắng thì bà bảo tí nữa, xem nốt bộ phim. Xem xong thì đến trưa, đến tối, còn đâu thời gian mà đi chơi nữa.

Tôi giành phần bế con thì bị mẹ chồng nói lười, dựa hơi con nhỏ. Thế nên, dù là tôi ở nhà hay đi đâu, mẹ chồng cũng bế con cho tôi. Có những tối về chơi với con, cho con ăn, con nhất định không chịu ăn. Ý là, con đòi bật tivi. Nên khi bật tivi lên một cái, con vui vẻ ăn ngay.

Cả tối, con cũng cứ ngồi nhìn dán mắt vào tivi, không chuyện trò cười đùa, không vận động. Con mới nhỏ xíu mà đã xem nhiều tivi như vậy khiến tôi vô cùng lo lắng. Tôi sợ lâu dần con sẽ thành nghiện, xem nhiều hỏng mắt.

Thêm nữa, mới mấy tháng tuổi, con đã được bà rèn cho cầm điện thoại, rồi ngồi máy tính, đó là điều tôi lo lắng tiếp theo. Tôi sợ, con lớn lên sẽ không nghe theo lời bố mẹ. Thời gian sau đó, vì con chưa có biểu hiện gì, tôi cũng không để ý, cứ mặc cho bà chăm con kiểu gì thì chăm.

hình ảnh

Mẹ chồng tôi ôm cháu ngồi xem tivi cả ngày, ảnh minh họa, nguồn: dS

Dạo gần đây, khi con gần 2 tuổi, tôi cũng thấy con chỉ muốn xem tivi suốt ngày. Mẹ dạy cái gì con cũng không học theo, nhìn con có những không nhanh nhẹn, giao tiếp kém hơn bạn bè cùng tháng tuổi. Tôi thấy con chậm biết nói nên đã đưa đi khám.

Đúng như tôi dự đoán, con có biểu hiện chậm nói, tự kỉ nhẹ. Bác sĩ yêu cầu bé hạn chế xem tivi, tăng cường giao tiếp với người thân trong gia đình, chơi các trò chơi phát triển ngôn ngữ,…Tôi về nói với chồng nhưng cả chồng và mẹ chồng tôi vẫn khăng khăng rằng con bị thế không phải là do xem nhiều tivi. Bất lực tôi không giải thích nhiều nữa nhưng tôi quyết định cho con đi lớp.

Thật may mắn, sau đúng 2 tuần đi lớp, về nhà, thấy con bật ra tiếng nói đầu tiên, gọi mẹ ơi mà tôi phát khóc. Thế là, tôi đã đã hiểu ra, chính là do bà không cho con tôi đi chơi, không cho con giao tiếp với người khác nên con gần như bị tự kỉ. Con nhất định không chịu nói và cũng không có điều kiện để nói. Sau khi đi lớp, được gặp và tiếp xúc với các bạn, con đã nói được. Tôi mừng khôn xiết.

Từ đó, tôi rút ra bài học, chính việc bà hay để cháu ở nhà, cho cháu xem tivi nên cháu không thể hình thành được ngôn ngữ. Bà không dạy cháu nói, không dạy cháu phân biệt nọ kia, không cho cháu tiếp xúc, nghe giọng nói của bạn bè thì sao cháu nói được. Nói thì mẹ chồng vẫn bảo thủ, không chịu nghe. Buồn lòng thay tư tưởng của các bà.

Đây là trường hợp của gia đình tôi cũng là để nhắc nhở những bậc làm cha làm mẹ, nên để ý cách chăm cháu của các cụ. Các bà thường hay chiều cháu một cách không khoa học, chỉ cho cháu nghịch điện thoại, tivi suốt ngày nên mới xảy ra tình trạng trẻ ít nói, sợ hãi giao tiếp với người ngoài. Cần thay đổi ngay tư tưởng và định kiến của các bà về việc chăm sóc trẻ em.

Mong rằng các mẹ hiểu và đừng để con mình rơi vào tình trạng như con của tôi nữa. Tôi sẽ rút kinh nghiệm và nói chuyện nghiêm túc với mẹ chồng, nhất là khi tôi đẻ cháu thứ hai.