Vụ kiện tập thể ở California (Mỹ) cáo buộc rằng Toyota đã ép chủ sở hữu xe Mirai mua hydro từ First Element, đồng thời hãng xe Nhật đã chọn sản xuất hydro từ nhiên liệu hóa thạch thay vì các giải pháp thay thế “xanh” hơn.
Hãng xe Nhật Bản Toyota đang phải đối mặt với một vụ kiện tập thể cáo buộc nhà sản xuất ô tô này đã sử dụng các biện pháp kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh để độc quyền trong thị trường nhiên liệu cho xe hơi chạy bằng hydro ở California (Mỹ).
Điều này khiến những lái xe phải trả nhiều tiền hơn để đổ đầy nhiên liệu cho các xe Toyota Mirai FCEV của họ, đồng thời gây lãng phí hàng triệu USD tiền thuế của người dân khi xây dựng một trạm cấp hydro nhưng không thể hoạt động.
Vụ kiện được đưa ra bởi một nhóm người dân California, tập trung vào câu chuyện về một trạm nhiên liệu hydro sạch được xây dựng vào năm 2010 bởi Đại học Bang California tại Los Angeles, với một khoản tài trợ từ chính quyền tiểu bang và “khách hàng” chính là những người sử dụng xe hydro như Toyota Mirai.
Tuy nhiên, dù trạm tiếp hydro này được cho là đáp ứng đầy đủ các quy định do tiểu bang đặt ra nhưng vẫn không được Toyota đưa vào danh sách hệ thống trạm sạc của mình. Thay vào đó, hãng xe Nhật Bản gần như bắt buộc chủ xe phải đến các trạm cấp hydro do đối tác “ruột” cung cấp.
Theo cáo buộc, Toyota đã “áp đặt các tiêu chuẩn khắt khe” lên cơ sở này sau khi đã hoàn thành và tìm mọi cách để ngăn cản hoạt động. Cụ thể, Toyota đã sử dụng ảnh hưởng của mình để loại bỏ trạm này khỏi trang web của đối tác cung cấp nhiên liệu hydro là First Element mà nhóm pháp lý của nguyên đơn tuyên bố là “một thực thể bán chính phủ thực sự do Toyota điều hành”.
Ngoài ra, Toyota còn bị cáo buộc thường xuyên sử dụng nguồn cung cấp hydro từ nhiên liệu hoá thạch chứ không phải từ nước tinh khiết như phương pháp mà Đại học Bang California áp dụng.
Đây là một trong những lý do chính khiến Toyota nhất định cho trạm hydro này nằm “ngoài vùng phủ sóng” trong 7 năm qua, không chỉ cản trở sự cạnh tranh mà còn gây lãng phí tiền thuế của người dân.
Trước đó, vào tháng 7, Toyota cũng bị các chủ sở hữu xe Mirai tại Mỹ kiện vì đã đưa ra các thông tin không chính xác về quãng đường di chuyển khả dụng của chiếc xe.
Cụ thể, người dùng phàn nàn rằng phạm vi hoạt động theo thông số kỹ thuật của Toyota Mirai khác xa so với thực tế. Trong khi Toyota công bố bản Limited có thể di chuyển được 357 dặm (575 km) và bản XLE là 402 dặm (647 km) thì thực tế, chiếc xe sẽ di chuyển được ít hơn tới khoảng 100 dặm (160 km) so với con số này.
Các nguyên đơn còn cho biết tình trạng thiếu trạm hydro và giá nhiên liệu hydro ngày càng cao khiến chi phí sử dụng xe của họ tăng tới 200% trong vài năm qua, từ 13 USD/kg vào năm 2022 lên khoảng 36 USD/kg vào năm 2024.
Mặc dù khi mua xe, hãng ô tô Nhật Bản tặng kèm thẻ nhiên liệu trị giá 15.000 USD (gần 380 triệu đồng) và cam kết chủ xe có thể dùng thoải mái trong vòng 5 năm, nhưng thực tế thì số tiền này sẽ không sử dụng để mua nhiên liệu được dài như cam kết bởi giá hydro ở các trạm cấp độc quyền quá đắt đỏ.