Ngay từ những ngày đầu chung sống với nhau, tôi đã nhận ra chồng là người cực kỳ gia trưởng và tính toán với vợ. Mới cưới nhau được vài ngày, anh đã phân định rạch ròi tiền của ai người ấy giữ. Mỗi tháng tôi chi hết bao nhiêu cứ ghi rõ ràng vào cuốn sổ, cuối tháng chia đôi chi phí, mỗi người chịu một nửa. Nếu tôi thiếu tiền tiêu trong tháng thì có thể ứng trước và cuối tháng trừ đi.
Lương anh luôn cao gấp đôi lương của tôi, vậy mà chi tiêu trong gia đình tôi bỏ một đồng thì anh cũng bỏ một đồng, không bao giờ chịu bỏ ra nhiều hơn.
Có lẽ vì sĩ diện của bản thân nên tôi im lặng, ầm thầm chịu đựng, không tranh cãi chuyện tiền nong với chồng bao giờ. Có ít tiền sẽ chi tiêu ít, có nhiều tiêu nhiều.
Nhờ mức thu nhập cao mà chồng tiết kiệm được tiền mua nhà. Như chồng người ta thì để cho vợ cùng đứng tên trong sổ đỏ nhưng chồng tôi thì không. Có lẽ anh sợ vợ phản bội hay chiếm đoạt nửa ngôi nhà nên phải phòng xa, ngôi nhà chỉ có mỗi mình anh ấy đứng tên.
Nuôi 3 đứa con, tốn kém rất nhiều tiền, nhiều khi trong người không có đồng nào, tôi bày con xin tiền bố. Nào ngờ con vừa mở miệng xin tiền thì bố quát mắng la lối om sòm:
“Tiền chứ có phải giấy đâu mà suốt ngày xin xỏ vậy. Học hành không biết có ra hồn gì không mà cứ nhìn thấy mặt bố là đòi xin tiền. Đây không phải là cái kho tiền”.
Mắng con rồi nói kháy vợ một thôi một hồi mà anh cũng chẳng đưa tiền cho con. Xin tiền bố lần nào cũng bị mắng chửi nên lâu ngày các con tôi sợ bố và không dám mở miệng nữa. Thế nên thỉnh thoảng thiếu tiền, tôi cố nhẫn nhịn cam chịu, muối mặt mở miệng xin tiền chồng để có tiền đóng học cho con.
Tuy hà tiện với vợ con nhưng chồng lại rất hào phóng với anh em dòng họ bên nội. Anh em mỗi khi cần tiền chỉ cần gọi điện là chồng tôi cho vay ngay mà không biết họ có trả không nữa.
Mỗi lần về quê ăn giỗ, bác trưởng tộc tìm đủ mọi lý do để kêu gọi chồng tôi tài trợ tiền. Khi là xây lăng, lúc xây từ đường, rồi sắm sửa đồ đạc trong từ đường, thậm chí cả đổ ngõ khoảng 10m2 cũng gọi chồng tôi đóng góp.
Số tiền anh đóng góp cho nhà nội còn lớn hơn số tiền anh bỏ ra nuôi con và lo cho gia đình.
Hiện tại vợ chồng tôi đã về hưu, các con tôi đã yên bề gia thất cả rồi. Bao nhiêu đau khổ buồn tủi đều đã trải qua, tôi cứ nghĩ sóng gió ở phía sau, còn hiện tại không còn khó khăn nào nữa. Nhưng chuyện xảy ra hôm vừa rồi ở quê nội làm tôi ấm ức và nhịn hết nổi nên đưa ra quyết định làm cả họ choáng váng.
Tôi cố nhẫn nhịn cam chịu, muối mặt mở miệng xin tiền chồng để có tiền đóng học cho con. (Ảnh minh họa)
Hôm ấy, gia đình tôi về quê ăn giỗ, trong lúc mọi người ngồi nói về chuyện tăng lương thì chồng tôi khoe lương hưu được 20 triệu một tháng, vợ ăn tiêu không hết tiền. Ngay sau đó một ông trong họ nói:
“Lăng của dòng họ ta cũ và lạc hậu lắm rồi, mọi người đang tính đập đi xây lại mà chưa có kinh phí. Chú có thể tài trợ cho dòng họ ít tiền được không?”.
Chồng tôi đồng ý ngay và hứa sẽ tài trợ 300 triệu để xây lăng, còn thiếu bao nhiêu mọi người trong họ bỏ ra. Lời nói của chồng tôi vừa dứt thì một tràng vỗ tay giòn giã vang lên. Riêng chỉ có tôi mặt giận tím lại, ức không nói được thành lời.
Khi niềm vui của mọi người lắng xuống, tôi đứng ra nói là những năm qua chồng làm được bao nhiêu tiền đều mang về cung phụng cho anh em họ tộc, còn vợ con đói khát chẳng quan tâm. Tôi không phải là người hẹp hòi với dòng họ nhưng cái gì cũng có giới hạn, vượt quá mất vui.
Bây giờ các con tôi đã lớn rồi, chúng tự biết lo cho bản thân rồi, tôi quá mệt mỏi với người chồng hào phóng với họ hàng, tính toán từng đồng với vợ con rồi. Tôi xin trả lại cháu trai hiếu thảo cho các ông các bà.
Nói xong rồi tôi bảo con trai đưa mẹ quay lại thành phố, để mặc chồng và những người họ hàng của anh ấy đứng im lặng.
Mấy hôm nay, chồng gọi điện nói xin lỗi và hứa sẽ đưa hết lương cho vợ giữ. Giá chồng làm điều đó sớm hơn thì sẽ chẳng có chuyện vợ chồng phải ra tòa như ngày hôm nay.