Cộng đồng người Dao lên tiếng về ‘lỗi sai’ trong phim Đi giữa trời rực rỡ đang thu hút người xem truyền hình

Hiện nay, bộ phim Đi giữa trời rực rỡ đang phát sóng trên khung giờ vàng và nhận được sự đón nhận của rất nhiều khán giả trên cả nước. Tuy nhiên, vấn đề là mới đây, một số khán giả dân tộc Dao đã lên tiếng về các lỗi sai không đúng với phong tục của người Dao xuất hiện trong phim.

Thông tin này đã được báo chí đăng tải, mình chia sẻ lại trong bài viết dưới đây cho mọi người cùng biết nhé!

Một số khán giả nhận thấy, trang phục, cách sử dụng trang phục cũng như tập quán của người Dao trong phim Đi giữa trời rực rỡ có những điểm chưa phù hợp với thực tế.

Điển hình, bạn Hoàng Ngọc Lan, một người Dao sinh sống ở Lào Cai cho hay, dù bộ phim mang nhiều thông điệp ý nghĩa về nạn tảo hôn và gặp nhiều rào cản khi mong muốn đi học, tuy nhiên cách dùng lễ phục của người Dao đi chăn trâu là hoàn toàn không đúng. Đồng thời, người này cũng giải thích chi tiết về văn hóa mặc trang phục của dân tộc mình. 

hình ảnh

Trang phục khi đi chăn trâu của nữ chính bị phản ứng, ảnh: CTCL

Lên tiếng về các cảnh phim, bà Triệu Mùi Say – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc – Uỷ ban Dân tộc – cho biết: “Về phong tục thờ cúng của người Dao, thường thì khoảng trống trước bàn thờ chỉ có nam giới được vào, nữ không được vào gần. Chỉ có thầy cúng được thắp hương và cúng, nếu chủ nhà không học chữ nôm Dao, chưa làm lễ cấp sắc cũng không được cúng. Phụ nữ, trẻ con, nói chung là không ai được ngồi chỗ cửa chính quay lưng vào bàn thờ.

hình ảnh

Về đám cưới của người Dao, phải có thầy xem mệnh khắc hợp của đôi nam nữ, có người làm mối, lễ ăn hỏi, cưới xin đàng hoàng, không phải chỉ ra chợ mua cái đầu lợn phủ vải đỏ bê đến như trong phim!”

hình ảnh

Khán giả mong muốn nhà sản xuất tìm hiểu kĩ hơn về người Dao, ảnh: DSD

Bên cạnh đó, bạn Tẩn Mí Liều, người Dao ở Sìn Hồ – Lai Châu cũng bày tỏ sự bức xúc khi một bộ phận khán giả cho rằng nên châm trước về những lỗi sai của đoàn làm phim. Bạn Mí Liều cho hay: “Mong các nhà làm phim xem xét lại sự cẩu thả trong việc tìm hiểu văn hoá trước khi làm phim của mình về văn hoá dân tộc thiểu số”.

hình ảnh

Một cảnh trong phim Đi giữa trời rực rỡ, ảnh: DSD

Trên các diễn đàn về phim, nhiều người Dao khi xem phim cũng bày tỏ quan điểm đồng tình rằng, nhà sản xuất nên nghiên cứu kỹ phong tục tập quán của mỗi dân tộc trước khi dựng thành phim để tránh hiểu nhầm.

Đi giữa trời rực rỡ xoay quanh cuộc sống của nhân vật Pu (diễn viênThu Hà Ceri đóng), cô gái 18 tuổi đứng trước lựa chọn tới Hà Nội học đại học, theo đuổi ước mơ hay lấy chồng, giúp gia đình trả nợ.

Vì sinh ra trong gia đình nghèo khó nên khi Pu đỗ đại học ở thành phố thì bố của Pu không muốn con gái đi học, mà tính gả cô cho Chải (diễn viên Long Vũ đóng), con trai nhà giàu có nhất vùng để trả nợ. Còn Chải cũng yêu say đắm Pu nên tìm mọi cách ngăn cản cô xuống thành phố học và muốn bố “bắt cưới” Pu cho bằng được.

Mời bà con đọc thêm thông tin: Tìm hiểu về người Dao và nét văn hóa của người Dao

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tín ngưỡng của người Dao là tín ngưỡng đa thần nguyên thủy. Đó là mọi vật đều có linh hồn và có nhiều loại ma, nhiều vị thần. Trong lễ hội, ngoài nghệ thuật biểu diễn độc đáo, đặc sắc của loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian mang đậm nét văn hóa tâm linh của người Dao.

Trong các nghi lễ cổ, Tết Nhảy là một hoạt động dân gian phản ánh văn hóa tâm linh, thế giới quan, vũ trụ quan, nhân sinh quan cũng như quan niệm về 3 tầng thế giới của người Dao.

Tết Nhảy nhằm mục đích cúng Bàn Vương và luyện tinh binh bảo vệ cuộc sống. Tết Nhảy là cách người Dao thể hiện ý niệm về nguồn gốc và lịch sử của dân tộc mình. Một số dòng họ Triệu, Bàn, Phùng, Dương làng Bình Sơn, xã Cẩm Bình (Thanh Hoá), vẫn còn duy trì nghi lễ này.

Cũng như nghi lễ Tết Nhảy, Lễ Cấp Sắc là một nghi lễ dân gian nổi bật của người Dao đỏ, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời người đàn ông. Được cấp sắc nghĩa là họ đã trưởng thành, đã có thể làm thầy, làm chỗ dựa vững chắc cho gia đình và được dòng họ, xóm làng tôn trọng.

Đây là nghi lễ quan trọng, thẩm thấu trong đời sống người Dao nên được đồng bào ở một số địa phương duy trì đến ngày nay. Cùng những lễ nghi truyền thống trên, người Dao (nhóm Quần Chẹt) còn duy trì một số lễ hội đặc trưng như lễ Cầu mùa vào tháng tư hay tết cổ truyền vào tháng 12 âm lịch…

Theo thống kê dân số năm 2019, đồng bào Dao có 891151 người, sinh sống chủ yếu tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Cũng như nhiều dân tộc anh em cùng chung sống trên dải đất hình chữ S, đời sống văn hóa – tinh thần của người Dao rất phong phú thể hiện qua hệ thống lễ hội cổ truyền, các phong tục tập quán lâu đời. Nền văn hóa có ngôn ngữ, chữ viết, phong tục tập quán, truyện, thơ, tục ngữ, dân ca, dân vũ, mỹ thuật…trong đó có nhiều lễ tục, diễn xướng dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tiêu biểu trong các là nghi lễ là: Lễ cúng Bàn Vương, Lễ Cấp sắc và Lễ hội Tết Nhảy.