Trong tháng cuối năm, người làm Kế toán, Nhân sự (HR) trong doanh nghiệp có rất nhiều công việc cần phải làm như nộp tờ khai thuế, nộp các loại báo cáo về lao động…
Mục lục bài viết [Ẩn]
1. Thông báo tình hình biến động lao động tháng 11 (nếu có)
2. Báo cáo tình hình thay đổi lao động năm
3. Nộp hồ sơ khai thuế khoán năm sau (đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh)
4. Báo cáo về tình hình hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
5. Báo cáo tình hình cho thuê lại lao động năm 2024
6. Nộp tờ khai thuế GTGT, thuế TNCN tháng 11
7. Báo cáo hàng năm công tác kiểm định an toàn lao động
8. Trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí Công đoàn tháng 12
Hiển thị thêm
1. Thông báo tình hình biến động lao động tháng 11 (nếu có)
Căn cứ khoản 2 Điều 16 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, trước ngày 03 hàng tháng, người sử dụng lao động phải gửi Thông báo về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị theo Mẫu số 29 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH tới Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị nếu có (tính theo tháng dương lịch của tháng liền trước thời điểm thông báo).
Trường hợp, người sử dụng lao động giảm từ 50 lao động trở lên thì phải thông báo ngay với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Đồng thời, và khoản 3 Điều 20 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH cũng nêu rõ, nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ lễ/ngày nghỉ hằng tuần thì ngày cuối cùng của thời hạn là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ đó.
Như vậy, thời hạn thông báo tình hình biến động lao động tháng 11 chậm nhất là ngày 02/12.
2. Báo cáo tình hình thay đổi lao động năm
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, sửa đổi bởi khoản 1 Điều 73 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, định kỳ hằng năm – trước ngày 05 tháng 12, doanh nghiệp phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Trường hợp người sử dụng lao động không thể báo cáo tình hình thay đổi lao động thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia thì gửi báo cáo bằng bản giấy đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.
Đối với lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế, người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi lao động đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện và Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để theo dõi.
Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ lễ/ngày nghỉ hằng tuần thì ngày cuối cùng của thời hạn là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ đó.
Như vậy, hạn cuối báo cáo tình hình thay đổi lao động năm 2024 là ngày 04/12.
6 việc Kế toán, HR phải làm trước khi kết thúc năm 2024
6 việc Kế toán, HR phải làm trước khi kết thúc năm 2024
3. Nộp hồ sơ khai thuế khoán năm sau (đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh)
Điểm c khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định chậm nhất là ngày 15/12 của năm trước liền kề đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán.
Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.
Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ lễ/ngày nghỉ hằng tuần thì ngày cuối cùng của thời hạn là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ đó.
Căn cứ các quy định trên, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán phải nộp hồ sơ khai thuế khoán năm 2025 chậm nhất là ngày 16/12 (do ngày 15/12 là Chủ nhật).
4. Báo cáo về tình hình hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Điều 15 Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH quy định chế độ báo cáo định kỳ của doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và của doanh nghiệp đưa người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài.
Theo đó, định kỳ hằng năm, trước ngày 20/12 của kỳ báo cáo, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nêu trên lập báo cáo về tình hình hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Mẫu đề cương báo cáo tại Phụ lục XIII ban hành kèm theo Thông tư này.
Căn cứ quy định trên, hạn cuối báo cáo về tình hình hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là ngày 19/12.
5. Báo cáo tình hình cho thuê lại lao động năm 2024
Khoản 2 Điều 31 Nghị định 145/2020/NĐ-CP sửa đổi tại khoản 2 Điều 73 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định:
Định kỳ 06 tháng và hằng năm, báo cáo tình hình hoạt động cho thuê lại lao động theo Mẫu số 09/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính; đồng thời báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế nơi doanh nghiệp đến hoạt động cho thuê lại lao động về tình hình hoạt động cho thuê lại lao động trên địa bàn đó đối với trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại sang địa bàn cấp tỉnh khác hoạt động. Báo cáo 06 tháng gửi trước ngày 20 tháng 6 và báo cáo năm gửi trước ngày 20 tháng 12
Theo quy định trên, hạn nộp báo cáo tình hình cho thuê lại lao động năm 2024 là ngày 19/12.
6. Nộp tờ khai thuế GTGT, thuế TNCN tháng 11
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Quản lý thuế năm 2019, doanh nghiệp nộp tờ khai thuế GTGT, TNCN chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng.
Như vậy, doanh nghiệp khai và nộp theo tháng phải nộp nộp tờ khai thuế GTGT, TNCN tháng 11 chậm nhất là ngày 20/12.
Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ lễ/ngày nghỉ hằng tuần thì ngày cuối cùng của thời hạn là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ (theo khoản 1 Điều 1 Nghị định 91/2022/NĐ-CP)
7. Báo cáo hàng năm công tác kiểm định an toàn lao động
Khoản 3 Điều 45 Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định, trước ngày 31/12 hằng năm, doanh nghiệp phải gửi báo cáo về công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động về cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương nơi cơ sở sản xuất, kinh doanh có trụ sở chính và nơi có người lao động đang làm việc như sau:
– Báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trong báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở;
– Báo cáo Sở Y tế về việc thực hiện công tác quan trắc môi trường lao động tại cơ sở.
Như vậy, hạn cuối gửi báo cáo về công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động là ngày 30/12.
8. Trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí Công đoàn tháng 12
Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, doanh nghiệp trích tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), BHTN, bảo hiểm y tế (BHYT) từ quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc đồng thời, trích từ tiền lương tháng đóng BHXH của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.
Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ lễ/ngày nghỉ hằng tuần thì ngày cuối cùng của thời hạn là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ.
Như vậy, doanh nghiệp phải trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí Công đoàn tháng 12 chậm nhất là ngày 31/12.
Căn cứ pháp lý:
– Điều 7, Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 22, Điều 37 Quyết định 595/QĐ-BHXH
– Khoản 5 Điều 2 Quyết định 490/QĐ-BHXH