Những người lần đầu làm mẹ hẳn sẽ không ít lần thắc mắc về việc con đã bú đủ no chưa? Lượng sữa bú vào có đủ cho con tăng cân không? Sau khi rời bụng mẹ, bé ngủ li bì, có cần đánh thức con dậy để cho con bú không? Nguyên nhân do mẹ thường lo con bú không đủ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của bé.
1. Thời gian cho bé bú
Bé mới sinh ra nên ở cùng phòng với mẹ, và bắt đầu cho bé bú sớm trong nửa đầu đến 1 giờ đầu sau sinh. Các mẹ nên cho bé bú theo nhu cầu và cho đến khi bé bú no (thời gian cho con bú trung bình khoảng 20 – 30 phút). Cho bé bú cạn một bên vú trước ( vì sữa cuối cữ bú có hàm lượng calo cao) sau đó cho bé bú vú bên còn lại. Cho con bú càng thường xuyên thì lượng sữa sản sinh ra càng nhiều.
Trong ngày đầu tiên sau sinh, bé cần bú mỗi giờ hoặc nếu thấy bé quá buồn ngủ và ngủ nhiều thì mẹ cần cho trẻ bú sữa thêm. Sau 1-2 ngày đầu tiên trôi qua, bé sẽ liên tục thấy đói vì dạ dày của bé nhỏ, nhanh rỗng và sẽ tiêu hóa hết thức ăn trong vài giờ.
Tùy thuộc vào sự thèm ăn của bé, đôi khi bé chỉ muốn bú một chút hoặc những thời điểm khác thì bé lại muốn bú lâu và no hơn. Vào cuối tuần đầu tiên, thời gian cho con bú có thể sẽ cần 12 lần bú sau mỗi 24 giờ. Các mẹ hãy để ý và cho trẻ bú sữa bất cứ lúc nào cần thiết.
2. Cách nhận biết bé bú đủ no
Các mẹ có thể nhận biết bé bú đủ no dựa vào những dấu hiệu sau:
2.1 Tã ướt
Cách thông thường nhất để nhận biết bé bú có đủ hay không đó là thông qua số lượng tã. Các mẹ cần phải lưu ý những điều sau:
Trong hai ngày đầu tiên sau khi chào đời, bé cần thay khoảng 2-4 cái tã. Tuy nhiên, từ ngày thứ 5 trở đi, con số này tăng lên khoảng 6-8 cái.
Nước tiểu của bé nhạt màu, không có mùi. Nếu nước tiểu của bé có màu sẫm thì nhiều khả năng bé vẫn còn đói.
2.2 Đi ngoài
Đi ngoài là một cách để nhận biết bé có bú đủ no hay không. Dưới đây là một số điều các mẹ cần lưu ý:
- Từ 1-2 ngày đầu tiên, bé thường đi phân su ( dày, dính, có màu đen hoặc xanh đậm).
- Khi bé chuyển từ bú sữa non sang sữa mẹ, phân của trẻ sẽ trở nên lỏng hơn, có màu vàng và ít có mùi hôi.
- Trong khoảng vài tuần đầu tiên, phân của bé sẽ thay đổi đột ngột khoảng 2-3 ngày mới đi ngoài một lần.
- Chỉ cần bé thay tã 6-8 lần một ngày, phân có màu vàng và lỏng là được.
2.3 Tăng cân
Sau khi sinh khoảng 3-4 ngày, bé có thể gặp phải tình trạng sút cân sinh lý. Điều này là hoàn toàn bình thường và bận không cần phải lo lắng gì cả. Khoảng 2 tuần sau đó, cân nặng của bé sẽ trở lại bình thường. Cân nặng, chiều cao và chu vi vòng đầu của bé tăng liên tục chứng tỏ là bé đã bú đủ sữa. Thông thường sau tuần đầu tiên cân nặng của bé bằng lúc mới sinh, và sau đó sẽ tăng 200g mỗi tuần.
Ngoài ra các mẹ cũng có thể nhận biết bằng dấu hiệu thấy vú mềm hơn sau khi cho bé bú, bé bú no sẽ tự động bỏ vú, sau bú bé sẽ ngủ từ 2-4 giờ.
2.4 Bàn tay của bé nói với mẹ rất rõ rằng con no rồi
Mẹ hãy dành thời gian quan sát bé trong mỗi lần ăn ngay từ khi bé chào đời. Những lúc đói, ngoài tiếng khóc, tay con sẽ nắm chặt lại và khua liên tục hoặc thậm chí bé sẽ cho nắm tay vào miệng.
Khi kết thúc bữa ăn, tay của bé dần dần buông lỏng và xòe cả bàn tay ra. Đây chính là dấu hiệu của cảm giác “ Con đã no rồi”.
Cơ thể bé thư giãn, được nạp đầy năng lượng thường có xu hướng thả lỏng và duỗi ra một cách tự nhiên.
2.5 Con dễ chịu, vui vẻ và thư thái
Nếu bé đã nhả ti ra nhưng vẫn khó chịu, tay chân loạn xạ hoặc khóc thì mẹ cần kiểm tra các bước sau:
- Vỗ ợ hơi cho bé
- Tiếp sau đó mời bé bú lại.
- Kiểm tra con đã ngậm đúng khớp vú và có tư thế bú thoải mái chưa.
- Sau đó cho bé tiếp tục bú, nếu bé chấp nhận bú tiếp và tự động nhả ti, kết hợp với dấu hiệu không còn quấy khóc nữa thì đó là lúc bé đã ăn no.
2.6. Giấc ngủ của bé liền mạch
Khi con bú no cũng là lúc bé sẽ có một giấc ngủ sâu và ngon. Nếu con ngủ được giấc trên 45-60 phút (45 phút là thời gian tối thiểu cho một giấc ngủ của trẻ sơ sinh) thì đó là tín hiệu lượng sữa con ăn vào đủ cho hoạt động ngủ, chơi của con.