Những chiếc bánh chưng luộc bằng pin thường có màu sắc bắt mắt hơn nhưng lại vô cùng độc hại đối với người sử dụng.
Bánh chưng thông thường phải luộc từ 8-10 tiếng mới chín. Để rút ngắn thời gian và chi phí nhiên liệu, một số nơi thả lõi pin vào nồi bánh chưng. Cách này giúp bánh nhanh rền hơn do pin thả vào nước tạo thành môi trường kiềm, tinh bột hấp thụ nước tốt hơn nên mau chín.
Tuy nhiên, lõi pin chứa rất nhiều thành phần nguy hiểm như chì, magie, mangan… Người lớn ăn phải sẽ bị ngộ độc, gây tổn thương gan, thận, lâu dài dẫn tới ung thư. Trẻ nhỏ có thể bị suy giảm trí tuệ khi hấp thu nhiều chì.
Do đó, để nhận biết bánh chưng có luộc bằng pin hay không, các bà nội trợ cần chú ý những điểm sau:
Nhìn màu lá dong
Thông thường, lá dong sau khi luộc sẽ có màu xanh nhạt hoặc xanh ngả vàng. Ngửi sẽ thấy mùi thơm đặc trưng của lá dong, lá giêng hòa quyện với gạo nếp.
Khi luộc bằng pin, các hợp chất hóa học sẽ làm cho lá dong có màu xanh đen, xanh thẫm hoặc xanh ánh tím. Lá bánh còn khá tươi, không bị khô héo như bình thường do thời gian luộc ngắn hơn.
Quan sát phần vỏ và nhân bánh
Bánh chưng luộc bằng pin sẽ không được dền vì bị chín ép trong thời gian ngắn.
Khi bóc ra sẽ thấy vỏ bánh nhớt, hạt nếp có màu trong, bắt mắt. Để bánh lâu dễ bị lại gạo.
Trong khi đó, bánh chưng luộc bình thường sẽ dền, dẻo hơn, hạt bánh ráo, không quá nhớt, hạt gạo đục. Bánh thơm mùi vị đặc trưng của lá dong, lá giềng, gạo nếp.
Để bánh chưng xanh hơn, thông thường người dân sẽ nhuộm gạo bằng lá giềng.
Tuy nhiên, nhiều nơi có thể dùng phẩm màu công nghiệp để nhuộm bánh. Phẩm màu làm cho bánh đẹp, không bị bay màu trong quá trình chế biến, để lâu hỏng. Lạm dụng phẩm màu công nghiệp dễ gây ngộ độc, thậm chí là ung thư.
(Theo Khỏe & Đẹp)