Cầm, chỉnh vô lăng thế nào cho đúng cách?

Việc nắm vững những kĩ năng cầm – điều chỉnh vô lăng trên ô tô không chỉ giúp người lái xử l ý tình huống tốt mà còn giúp hạn chế tối đa những mối nguy hiểm trong trường hợp xảy ra va chạm mạnh khiến túi khi bung ra.

Cầm vô lăng thế nào cho đúng cách khi lái xe? Nghe qua tưởng chừng rất đơn giản và ai cũng dễ dàng thực hiện được. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Bởi lẽ, hiện nay không ít tài xế khi bước lên xe vẫn rất chủ quan và gần như “bỏ qua” các bước, kỹ năng cầm vô lăng cơ bản, dẫn đến nhiều hệ lụy không đáng có trong một số trường hợp tai nạn xảy ra.

Kỹ năng cầm vô lăng tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế rất nhiều tài xế thực hiện chưa đúng cách

Cầm vô lăng thế nào cho đúng?

Hiện nay, nhiều tài xế vẫn quan niệm cầm vô lăng sao cho bản thân thấy thoải mái là đúng. Quan niệm này có lẽ không sai, nhưng cũng chỉ đúng trong những trường hợp bình thường, không có bất kì sự cố nào xảy ra. Còn với những tình huống khẩn cấp và bất ngờ, cầm vô lăng sao cho “thoải mái” nhưng không đúng kỹ năng dễ khiến các tài xế phải “trả giá” vì không kịp xử lý; hoặc trong trường hợp xảy ra va chạm, túi khí trên vô lăng bung ra với tốc độ và lực mạnh, dễ hất tay cầm vô lăng của tài xế vào vùng mặt nguy hiểm đến tình mạng.

Chính vì vậy, cầm vô lăng đúng không hẳn là cầm với tư thế thoải mái nhất, mà còn cần tuân thủ đúng các kỹ năng cơ bản. Theo nhiều chuyên gia có kinh nghiệm, để cầm vô lăng chuẩn nhất, đầu tiên hai tay người lái nên đặt ở vị trí “9 giờ 15 phút”. Vị trí đặt tay này không chỉ giúp dễ dàng điều khiển xe mà còn đảm bảo an toàn trong trường hợp xảy ra va chạm bất ngờ, bởi túi khí sẽ bung vào vùng mặt người lái, không gây nên những chấn thương đáng tiếc.

Thực hiện đúng kỹ năng cầm vô lăng không những giúp người lái thoải mái mà còn đảm bảo an toàn trong những tình huống khẩn cấp

Bên cạnh đặt tay đúng vị trí, cách đặt các ngón tay trên vô lăng cũng rất quan trọng. Theo đó, đặt tay đúng kỹ năng là khi 2 ngón cái của người lái tỳ lên vành vô lăng, trong khi các ngón còn lại nắm hờ ở phía dưới. Lưu ý, người lái không nên nắm chặt vô lăng nhưng cũng không buông quá lỏng. Điều này giúp việc xoay vô lăng trở nên dễ dàng và linh hoạt khi cần. Đồng thời, người lái cũng cảm nhận rõ những phản ứng từ mặt đường truyền lên vô lăng.

Chỉnh vô lăng thế nào cho đúng?

Bên cạnh kỹ năng cầm vô lăng, để đảm bảo an toàn cũng như sự thoải mái trong các hành trình dài, việc điều chỉnh tư thế ngồi và khoảng cách từ người lái đến vô lăng cũng rất quan trọng.

Điều chỉnh vị trí và khoảng cách vô lăng cũng rất quan trọng

Theo kinh nghiệm từ các “tài già”, tư thế cầm vô lăng chuẩn nhất là khi khuỷu và cánh người lái tạo được một góc khoảng 120 độ. Đồng thời, khoảng cách từ vai người lái đến tâm vô lăng dao động từ 25 – 30 cm. Lưu ý, nếu khoảng cách quá xa, người lái sẽ gặp khó trong quá trình vần vô lăng ôm cua gấp, cần đánh lái nhiều vòng. Ngược lại, nếu khoảng cách quá gần, tầm hoạt động của tay cũng sẽ bị hạn chế, rất khó xử lý trong những tình huống khẩn cấp.

Cùng Hyundai – Hiểu rõ ràng, lái xean toàn là chuyên đề hướng dẫn sử dụng, lái xe an toàn do Báo Thanh Niên đồng hành cùng Liên doanh ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam (HTV)tổ chức. Chuyên đề gồm hai phần “Hiểu rõ ràng” và “Lái xe an toàn” sẽ chuyển tải đến bạn đọc, người dùng ô tô… các nội dung hướng dẫn sử dụng những trang bị, tính năng cơ bản trang bị trên ô tô trong thời đại công nghệ 4.0 đồng thời cung cấp thêm kiến thức, kỹ năng để lái xe an toàn trong các điều kiện giao thông khác nhau.

Thông qua chuyên đề hướng dẫn sử dụng ô tô “Cùng Hyundai hiểu rõ ràng, lái xe an toàn” người dùng đặc biệt là những “tài mới” sẽ có thêm kiến thức bổ ích để sử dụng thành thạo các tính năng trên ô tô cũng như nâng cao ý thức, kỹ năng lái xe an toàn và từng bước góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.