Chuyên gia Hàn Quốc: ‘Bóng đá Việt Nam đang có quá nhiều vấn đề’

HLV Kim Sang-sik chỉ đạo Nguyễn Đình Bắc (trái) trong trận giao hữu Việt Nam hòa Ấn Độ 1-1, vào ngày 12/9 tại sân Thiên Trường. Ảnh: Lâm Thoả

HLV Kim Sang-sik chỉ đạo Nguyễn Đình Bắc (trái) trong trận giao hữu hòa Ấn Độ 1-1 vào ngày 12/9/2024 tại sân Thiên Trường, Nam Định. Ảnh: Lâm Thỏa.

– Qua năm tháng dưới thời HLV Kim Sang-sik, Việt Nam thắng một, hòa một và thua năm. Trong đó ba trận giao hữu gần nhất, đội tuyển lần lượt thua Nga 0-3, Thái Lan 1-2 và hòa Ấn Độ 1-1. Cá nhân ông đánh giá thế nào về đội tuyển Việt Nam hiện tại?

– Như các đội tuyển châu Âu khác, Nga dẻo dai về thể chất lẫn thể lực. Họ rất nguy hiểm khi xâm nhập vòng cấm đối phương bằng khả năng di chuyển nhanh cùng kỹ năng cá nhân tốt. Trước đối thủ như vậy, khi Việt Nam thua, nhiều người sẽ thừa nhận đó là đương nhiên. Nhưng không đội bóng nào ra sân với tâm lý thất bại. Nhìn chi tiết thì chiến thuật của HLV Kim và thể lực của cầu thủ có những bất cập. Và đó tiếp tục là vấn đề, dẫn đến trận thua Thái Lan.

Phong độ, thể lực và chiến thuật của đội tuyển hiện tại không khác nhiều so với thời Philippe Troussier. Họ dễ dàng thủng lưới, không ghi bàn trong những cơ hội tốt và mất cân bằng giữa công với thủ. Những vấn đề rất nghiêm trọng đã bộc lộ ở hàng thủ, trong quá trình kết nối để chống tấn công nhanh và phản công. Hàng thủ hiện tại quá lỏng lẻo, bọc lót thiếu tính tổ chức, cùng sai lầm cá nhân đã dẫn đến bàn thua trước Ấn Độ. Cách phối hợp của hàng tiền vệ cũng chưa gây được khó khăn cho đối thủ, và đó là một phần nguyên nhân hàng công không ghi được bàn.

Khi bị tấn công mạnh mẽ, các cầu thủ Việt Nam di chuyển không đủ nhiều để liên tục can thiệp vào lối chơi của đối phương. Có lẽ, đội tuyển phải chuẩn bị, bổ sung hiệu quả hơn sức mạnh thể chất và chiến thuật, cũng như sự kết nối giữa các cầu thủ trong trận.

Việt Nam không cần quá lo lắng khi thua Thái Lan và Nga, mà quan trọng hơn là hiểu chính xác nguyên nhân dẫn đến thất bại, từ đó có giải pháp và cải thiện thì mới có hy vọng ở AFF Cup vào cuối năm.

– Vậy còn dấu ấn của HLV Kim Sang-sik?

– Đến lúc này, không có bằng chứng cụ thể nào về việc Kim chịu ảnh hưởng tư tưởng của các HLV tiền bối hoặc thông qua quá trình nào để thiết lập triết lý riêng. Chúng ta thật sự không thể biết bóng đá Việt Nam sẽ có bước tiến mới thế nào thông qua kinh nghiệm huấn luyện ngắn ngủi của Kim.

Tôi khó có thể nói nhiều về cách sử dụng chiến thuật và lựa chọn cầu thủ của HLV Kim. Tôi đang đánh giá từ bên ngoài, không phải người trong cuộc để nắm được quá trình HLV lựa chọn cầu thủ và xây dựng triết lý chiến thuật. Tuy nhiên, đội bóng hiện nay chưa đạt yêu cầu về chiến thuật, thể lực và sự ổn định trong phòng ngự. Kim chưa áp dụng được lối chơi và tư duy chiến thuật như ý, với những cầu thủ được chọn. Đặc biệt, không thể tìm thấy dấu ấn hay ưu điểm chiến thuật và thể chất của ông ấy.

Thời còn thi đấu, Kim là tiền vệ phòng ngự và trung vệ, có điểm mạnh cả trong tấn công lẫn phòng thủ. Sau đó, ông làm trợ lý ở Jeonbuk – đội mạnh nhất K-League 1 giai đoạn ấy. Nhưng khi lên làm HLV trưởng, Kim thiếu chi tiết chiến thuật và khả năng đọc trận đấu. Jeonbuk đánh mất lối chơi tấn công quyết liệt vốn có, còn Kim bị đánh giá là thiếu sót trong năng lực quản lý rủi ro. Đây là chuyện quá khứ, nhưng rất khó để phong cách huấn luyện và chiến thuật của một HLV có thể cải thiện trong ngắn hạn. Tính chất ĐTQG khác CLB nên càng khó giải quyết được khuyết điểm dựa trên yếu tố thời gian.

Suphanat Mueanta (áo xanh) đánh đầu cận thành gỡ hòa 1-1 trong trận giao hữu Thái Lan thắng Việt Nam 2-1, vào ngày 10/19 tại sân Mỹ Đình. Ảnh: Hiếu Lương

Việt Nam để Mueanta (áo xanh) đánh đầu cận thành gỡ hòa 1-1 cho Thái Lan, trong trận giao hữu vào ngày 10/19/2024 trên sân Mỹ Đình, Hà Nội. Ảnh: Hiếu Lương.

– Theo ông, những giải pháp nào có thể khỏa lấp các thiếu sót kể trên của HLV Kim?

– Lúc này, khả năng và kinh nghiệm của các trợ lý rất quan trọng. Họ có thể hỗ trợ đúng và đủ cho Kim Sang-sik. Bóng đá châu Âu có nhiều HLV lớn tuổi hơn trẻ, vì đó là những người giàu kinh nghiệm và có kiến thức đa dạng. Vinh quang đạt được của bóng đá Việt Nam thời trước không chỉ dựa vào năng lực Park Hang-seo, mà còn nhờ sự làm việc chăm chỉ và mồ hôi của thành viên ban huấn luyện hỗ trợ sâu sát.

Ngoài ra, tôi cho rằng Việt Nam không có lựa chọn nào tốt hơn Kim Sang-sik trong tình thế hiện tại. Không còn cách nào khác ngoài tin tưởng và theo dõi khả năng của tân HLV này.

– Ông nói bóng đá không chỉ dựa vào HLV, vậy sự sa sút của Việt Nam thời gian qua còn đến từ đâu?

– Theo tôi, đó là việc các cầu thủ mất động lực sau một thời gian dài thành công. Không quốc gia nào có thể liên tục đạt được hoặc duy trì thành công rực rỡ, vì các đối thủ khi thua luôn phân tích và nỗ lực hơn để vượt lên. Việt Nam đã đạt nhiều thành công cấp ĐTQG và U23. Nó có thể đặt gánh nặng lớn lên người kế nhiệm, và nó chỉ càng tăng lên vì người hâm mộ luôn có xu hướng mong chờ vinh quang mới.

Tuy nhiên, kể từ kỳ tích Thường Châu 2018, U23 không giành thêm kết quả khả quan nào cấp châu lục. Việc liên tục thất bại, dù có những tài năng triển vọng cho tương lai, còn cho thấy trình độ của bóng đá Việt Nam chưa cải thiện thêm chút nào. Nhiều thay đổi có thể xảy ra tùy thuộc vào triết lý HLV.

Trong lần dự U23 châu Á 2018, mà tôi là thành viên ban huấn luyện, chúng tôi không đánh giá cầu thủ Việt Nam giỏi hơn các đội khác. Chúng tôi rất lo lắng và có rất ít hy vọng về một kết quả tốt. Tuy nhiên, một số điều kiện đã tiếp thêm niềm tin. Đó là quá trình tập luyện chuẩn bị diễn ra bài bản và hiệu quả; tinh thần đồng đội và lối chơi phối hợp đã được cải thiện hiệu quả; cầu thủ có tâm lý mạnh mẽ để vượt qua đối thủ và dũng cảm vượt qua quá trình tập luyện khó khăn trong không khí vui vẻ. Vì vậy, điều quan trọng là HLV trưởng dẫn dắt đội bóng thế nào, sử dụng triết lý ra sao để quản lý, cũng như củng cố sức mạnh tinh thần thông qua động lực mãnh liệt. Ngoài ra, sự hỗ trợ và hợp tác của ban huấn luyện rất cần thiết.

Nguyễn Hoàng Đức (áo đỏ) thi đấu trong trận giao hữu Việt Nam hòa Ấn Độ 1-1, vào ngày 12/9 ở sân Thiên Trường. Ảnh: Lâm Thoả

Nguyễn Hoàng Đức (áo đỏ) thi đấu trong trận giao hữu Việt Nam hòa Ấn Độ 1-1, vào ngày 12/9/2024 ở sân Thiên Trường, Nam Định. Ảnh: Lâm Thỏa.

– Gần đây, bóng đá Việt Nam còn chứng kiến hiện tượng một số ngôi sao như Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Hoàng Đức, Đặng Văn Lâm xuống hạng Nhất thi đấu. Theo ông, điều này có ảnh hưởng thế nào đến ĐTQG?

– Tôi hiếm khi thấy tuyển thủ quốc gia thi đấu ở hạng Nhất, vốn khác biệt về môi trường và đặc điểm trận đấu với giải VĐQG. Tất nhiên vẫn có ngoại lệ. Nhưng giải VĐQG là lựa chọn chứa đựng nhiều yếu tố tích cực và lợi thế để cầu thủ cải thiện kỹ năng tổng thể và duy trì trình độ.

Nếu nhiều cầu thủ thi đấu ở hạng Nhất được chọn lên đội tuyển thì trình độ tập thể sẽ bị hạ xuống. Điều này do trình độ chung ở hạng Nhất thấp hơn và việc cạnh tranh với các cầu thủ khác dễ hơn nhiều. Và kết quả nhận lại là kỹ năng suy giảm, thiếu kinh nghiệm hay gặp các vấn đề khác như tính cạnh tranh thấp. Đây là lý do tại sao các đội tuyển vẫn lựa chọn cầu thủ thi đấu ở giải VĐQG, ngay cả khi cầu thủ hạng Nhất ghi nhiều bàn hoặc thể hiện phong độ ấn tượng.

– Trong bối cảnh khó khăn này, có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên tính đến phương án sử dụng cầu thủ nhập tịch. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

­– Tôi cho rằng tác động của cầu thủ nhập tịch tới bóng đá Việt Nam khá tích cực. Tất nhiên, những cầu thủ nhập tịch này phải có trình độ tốt hơn đáng kể cầu thủ bản địa, mà cụ thể thì họ phải thi đấu chủ yếu ở châu Âu để tạo sự khác biệt.

Việc này không thể thực hiện đơn giản chỉ bằng ý muốn, mà cần hỗ trợ từ Chính phủ và Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Việt Nam cần tìm hiểu cặn kẽ vấn đề của cầu thủ nhập tịch, thông qua Indonesia và Trung Quốc. Khi ấy, khả năng thất bại sẽ ít đi nhiều, và lại mở ra cơ hội đạt được thành tích tốt ở châu Á.

Nhờ chính sách nhập tịch, Indonesia thay đổi rõ rệt kết quả ở châu Á và có thể thay đổi thế thống trị ở Đông Nam Á. Họ không nhập cầu thủ Brazil như Trung Quốc, mà có gốc gác từ thời ông bà, cha mẹ và đang chơi bóng ở châu Âu. Những cầu thủ này còn lâu mới được công nhận đạt đẳng cấp thế giới, nhưng trẻ trung, đầy triển vọng và đang tích lũy kinh nghiệm. Họ đang tạo ra làn gió mới và thay đổi lớn cho bóng đá Indonesia.

Mục đích chính và tầm quan trọng của ĐTQG là đại diện cho nhân dân và đất nước, để phát huy niềm tự hào dân tộc thông qua bóng đá. Cầu thủ nhập tịch phải hình thành sự kết nối với cầu thủ bản địa, thể hiện nỗ lực tìm hiểu và giao tiếp. Chính vì vấn đề này mà Trung Quốc không đạt được thành tích khả quan ngay cả khi có những cầu thủ nhập tịch đẳng cấp.

Ông Bae Ji-won (áo vàng) khi làm HLV thể lực Olympic Việt Nam dự ASIAD 2018 tại Indonesia. Ảnh: Hiếu Lương

Ông Bae Ji-won (áo vàng) khi làm HLV thể lực Olympic Việt Nam dự ASIAD 2018 tại Indonesia. Ảnh: Hiếu Lương.

– Nhưng nền tảng bền vững trong bóng đá vẫn là đào tạo trẻ. Ông đánh giá công tác này ở Việt Nam ra sao sau khi làm việc ở cả đội tuyển và CLB Thể Công Viettel?

– Trở ngại lớn nhất đối với tương lai bóng đá Việt Nam là việc xem nhẹ, bỏ qua tầm nhìn và hệ thống ổn định của bóng đá trẻ. Cơ hội cho cầu thủ các lứa tuổi thi đấu mỗi năm rất hạn chế, dẫn đến tiềm năng phát triển quá thấp.

Việt Nam không thể so sánh với Thái Lan, về số lượng đội trẻ và cơ hội được thi đấu đều đặn mỗi tuần. Điều này được Thái Lan tính toán ở nhiều cấp độ, gồm nghiệp dư, bán chuyên và chuyên nghiệp. Nền tảng nhân lực bóng đá của họ cuối cùng sẽ dẫn đến trình độ ĐTQG. Việc đảm bảo nguồn lực cầu thủ ưu tú suy cho cùng cần ưu tiên tăng số lượng.

Dân số Việt Nam khoảng 100 triệu người và số lượng người yêu bóng đá rất đông. Tuy nhiên, nếu môi trường chưa đáp ứng cho một cầu thủ phát triển và hệ thống còn nhiều vấn đề thì tương lai nền bóng đá chưa thể đảm bảo. Tôi cho rằng cần một kế hoạch hợp tác phát triển vì tương lai giữa các đội V-League và VFF.

Tôi biết một cầu thủ trẻ tiềm năng ở một đội V-League đã gặp vấn đề lớn vì bệnh ngôi sao. Là một HLV nước ngoài, tôi không biết quá nhiều về những sự cố xảy ra trong môi trường này. Ngoài ra, tôi không thể biết chi tiết đời sống cá nhân của các cầu thủ V-League. Thể Công Viettel hoạt động như một trung tâm bóng đá nên không gặp vấn đề gì lớn trong quản lý đời sống cá nhân cầu thủ. Nhưng nếu môi trường không hợp lý sẽ có nhiều rủi ro. Cầu thủ có thể rơi vào môi trường tệ hại và cuối cùng là thiếu nguồn lực xuất sắc cho tương lai. Việc quản lý cầu thủ tiềm năng không chỉ phó mặc cho CLB và HLV, mà phụ huynh phải cùng thực hiện.

– Còn điểm nào ông nghĩ rằng Việt Nam cần cải thiện để nâng cao chất lượng cầu thủ?

– Đó là điều kiện hạ tầng. Việt Nam muốn có bóng đá kỹ thuật xuất sắc thì phải cung cấp cơ sở vật chất SVĐ, môi trường tập luyện và mặt sân thi đấu. Nhưng điều này chưa đảm bảo. Nó làm suy giảm khả năng chơi kỹ thuật của nhiều cầu thủ giỏi, kéo theo trình độ chung nền bóng đá sa sút.

Điều kiện sân tập và sân thi đấu phải cải thiện hơn nữa để tạo điều kiện phát triển đa dạng kỹ thuật bóng đá và huấn luyện chiến thuật hiệu quả. Chất lượng đại bản doanh cũng phải đảm bảo hơn. Chương trình tập luyện với nhiều yếu tố khác nhau cần có để nâng cao thể lực, nhưng muốn làm thì phải có nhiều loại thiết bị hiện đại, đồng bộ và được triển khai trên diện rộng.

Chuyên gia Bae Ji-won sinh năm 1963, từng thi đấu và học bóng đá tại Đức. Ông theo nghiệp huấn luyện từ 28 tuổi, rồi sở hữu bằng Pro của LĐBĐ châu Âu (UEFA) và bằng HLV thể lực của LĐBĐ thế giới FIFA. Ông Bae chủ yếu làm trợ lý HLV và HLV thể lực, nổi bật có Pohang Steelers, Ulsan Hyundai (Hàn Quốc), U18 Bournemouth (Anh).

Năm 2017, Bae Ji-won làm HLV thể lực cho ĐTQG và U23 Việt Nam thời HLV Park Hang-seo, rồi chia tay sau khi vô địch AFF Cup 2018. Sau đó, ông sang Hong Kong làm việc ở hai CLB lớn nhất là Kitchee và Eastern. Năm 2022, ông trở lại Việt Nam làm việc cho Thể Công Viettel và có giai đoạn làm HLV tạm quyền sáu tháng cuối năm 2022, trước khi rời đội vào tháng 9/2023.

Hiếu Lương

Nguồn: https://vnexpress.net/chuyen-gia-han-quoc-bong-da-viet-nam-dang-co-qua-nhieu-van-de-4806829.html