Mình ở Hà Nội. Không biết chỗ mọi người như nào chứ ở chỗ mình cứ từ sau 15/12 âm lịch là bắt đầu cúng ông Công ông Táo. Tùy từng nhà ai hợp ngày nào thì cúng ngày đó, miễn là sau 15 và trước 12h trưa ngày 23 là được.
Vậy nhưng hôm trước mình nói chuyện với các anh chị đồng nghiệp thì mọi người đều nói là không nên cúng trước. Trong khi ở quê mình thì từ xưa đến nay bao năm vẫn vậy.
Mình thắc mắc nên mới lên báo tìm hiểu thì có giải đáp rất hay, mình chia sẻ bên dưới cho mọi người cùng biết nhé!
Theo Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, dù ngày ông Công ông Táo là vào 23 tháng Chạp nhưng các gia đình không nhất thiết phải làm lễ cúng trong ngày này, lễ cúng ông Công ông Táo có thể thực hiện trước ngày 23 tháng Chạp.
Chuyên gia phong thủy Song Hà đã đưa ra nhiều tư vấn bổ ích về các khung giờ vàng cúng ông Công ông Táo rút tỉa chân nhang trong năm Quý Mão, chuẩn bị đón Tết Giáp Thìn. Cụ thể là như sau nhé!
– Ngày 19 âm cúng ông Công ông Táo khởi lễ từ 7h10 đến 8h50. Bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu tiến hành từ 9h10 đến 10h50 hoặc từ 13h10 đến 14h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Dần, Thân, Tị, Hợi.
– Ngày 20 âm cúng ông Công ông Táo khởi lễ từ 7h10 đến 8h50. Bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu tiến hành từ 13h10 đến 14h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
– Ngày 21 âm cúng ông Công ông Táo khởi lễ từ 5h10 đến 6h50. Bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu tiến hành từ 15h10 đến 16h50. Ngày này hợp các tuổi Dần, Thân, Tị, Hợi, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
– Ngày 22 âm cúng ông Công ông Táo khởi lễ từ 5h10 đến 6h50. Bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu tiến hành từ 9h10 đến 10h50 hoặc từ 15h10 đến 16h50. Ngày này hợp các tuổi Dần, Thân, Tị, Hợi, Tý, Ngọ, Mão, Dậu.
– Ngày 23 âm cúng ông Công ông Táo khởi lễ từ 9h10 đến 10h50. Bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu tiến hành từ 13h10 đến 14h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
Lưu ý: cần phải cúng ông Công ông Táo xong mới được phép bao sái và rút tỉa chân nhang. Sau ngày 23 tháng Chạp không được cúng ông Công ông Táo nhưng các gia đình vẫn bao sái và rút tỉa chân nhang. Cụ thể:
– Ngày 24 âm bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu tiến hành từ 5h10 đến 6h50 hoặc chiều từ 13h10 đến 14h50. Ngày này hợp các tuổi Dần, Thân, Tị, Hợi, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
– Ngày 25/12 âm vào ngày lập xuân nên 25/12, 26/12, 27/12 không được bao sái bàn thờ, rút tỉa chân nhang nếu không sẽ mất lộc cả năm.
– Ngày 28 âm bao sái và rút tỉa chân nhang bắt đầu tiến hành từ 5h10 đến 6h50 hoặc từ 9h10 đến 10h50 chiều từ 15h10 đến 16h50. Ngày này hợp các tuổi Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Dần, Thân, Tị, Hợi.
Vì sao phải có lễ cúng ông Công ông Táo?
Người ta quan niệm một năm mở đầu bằng Tết Nguyên Đán và kết thúc bằng Tết ông Táo vào 23 tháng Chạp. Vào ngày 23 này, ông Táo sẽ lên trời để bẩm báo với Ngọc Hoàng về tình hình 1 năm qua ở dưới hạ giới.
Đến đêm 30 tháng Chạp, ông Táo trở về cùng gia đình bước vào năm mới. Như vậy, hệ thống lễ Tết làm thành một chu trình khép kín, âm dương chuyển hóa cho nhau.
Người xưa cũng cho rằng, sau khi nghe Táo Quân bẩm báo, Ngọc Hoàng sẽ căn cứ vào đó để định đoạt, có thể khen thưởng hoặc quở phạt gia chủ.
Vì thế, vào ngày 23 tháng Chạp, trước khi Táo quân lên thiên đình, người ta thực hiện nghi lễ cúng ông Táo để các ông “nói tốt“ cho nhà mình, giúp năm tiếp theo được ban cho tài lộc, bình an.
Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo đơn giản thành tâm
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo không cần cầu kỳ nhưng lại cần sự trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng thành của gia chủ.
Với các gia đình cúng chay thuần khiết, mâm cỗ cúng chay có thể gồm các món canh thập cẩm rau củ hoặc cay măng chay, nem rau củ, đậu phụ sốt nấm cay Tứ Xuyên, giò chay, chả chay, chạo nấm, xôi, chè, nộm, xào thập cẩm rau củ.
Đơn giản hơn nữa, gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng chay chỉ gồm: 1 mâm ngũ quả, 3 bát chè, 1 đĩa xôi, hoa tươi, nước, nến đỏ và 3 “ông” cá chép sống.
Với các gia đình muốn cúng mặn, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo bao gồm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, gà luộc hoặc 1 khổ thịt vai gáy luộc, 1 bát canh, 1 đĩa xào, 1 đĩa giò, 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống), 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa, 1 tập giấy tiền, vàng mã.
Cũng cách chuẩn bị lễ vật cúng ông Công ông Táo khác, gồm có: Một chiếc lọng màu đỏ có diềm vàng để che nắng che mưa; một chiếc bàn đủ lớn để đặt mâm lễ, mặt bàn được trải tấm vải đỏ sang trọng ngay ngắn; một miếng vải đỏ dài trải dưới đất như miếng thảm đỏ để đưa tiễn Thần Táo Quân.
Một mâm lễ gồm: Gà trống; xôi đỏ; 3 chén rượu ba màu đỏ , trắng, vàng (màu đỏ mang lại vận khí tốt, màu trắng mang lại tài lộc, màu vàng mang lại sự bình an); 3 chén trà ba loại mùi vị khác nhau; ngũ quả đầy đặn đẹp mắt, trên mâm quả có cài 9 bông hoa đồng tiền màu đỏ; bộ quần áo, mũ, giày cho ba vị thần; vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá cho ba vị mỗi vị 99 thuyền, 99 thỏi, 99 lá. Trong mâm lễ phải có 3 con cá chép; 9 cây cây nến đỏ.