CSGT có được phép đánh người vi phạm giao thông?

Các trường hợp Cảnh sát giao thông sử dụng bạo lực với người vi phạm giao thông được ghi nhận trong thời gian gần đây gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Vậy, hành động nói trên là đúng hay sai? Công an giao thông có được phép đánh người vi phạm hay không? Mời quý bạn đọc tham khảo qua bài viết dưới đây.

1. Vi phạm giao thông là gì?

Có thể hiểu vi phạm giao thông nghĩa là hành vi trái pháp luật giao thông do chủ thể có năng lực hành vi thực hiện, có lỗi và xâm hại đến quan hệ xã hội mà pháp luật bảo vệ.

Căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ 01/01/2020 , các lỗi vi phạm giao thông phổ biến hiện nay là:

– Lỗi điều khiển xe máy không dội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy;

– Chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ mà cài quai không đúng quy cách;

– Chở quá số người quy định;

– Chở theo 3 người trở lên trên xe;

– Không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”;

– Đi vào đường cao tốc không dành cho xe máy;

– Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh;

– Vượt đèn đỏ;

– Vượt đèn vàng khi sắp chuyển sang đèn đỏ;

– Chuyển làn không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước;

– Quay đầu xe tại nơi cấm quay đầu xe;

– Và các trường hợp khác quy định theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

2. Quyền hạn của cảnh sát giao thông

Quyền hạn của cảnh sát giao thông được quy định cụ thể tại Điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA như sau:

– Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện giao thông); theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Thông tư này; quy định khác của pháp luật có liên quan. Kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông; giấy tờ của phương tiện giao thông; giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật. Kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.

– Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Xử lý các hành vi vi phạm giao thông đường bộ; trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

– Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông; hoặc trường hợp khác gây mất trật tự , an toàn giao thông đường bộ. Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra, hoặc có nguy cơ xảy ra; Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra; kiểm soát được huy động phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân; người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.

– Được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khó, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.

– Được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định. Phân lại luồng, phân lại tuyến; nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ách tắc giao thông, tai nạn giao thông. Hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

– Thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

3. Cảnh sát giao thông có được phép đánh người vi phạm giao thông?

Như vậy, CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quy định của Thông tư không có điều khoản nào cho phép CSGT có quyền đánh người vi phạm hay dùng vũ lực với người vi phạm.

Song, CSGT được phép sử dụng công cụ hỗ trợ hoặc vũ thuật để khống chế đối tượng vi phạm trong một số trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 14 Nghị định 208/2013/NĐ-CP như sau:

“1. Giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm pháp luật và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó. Yêu cầu người vi phạm xuất trình chứng minh thư nhân dân và các giấy tờ cần thiết khác để kiểm tra.

2. Cưỡng chế người có hành vi vi phạm pháp luật chấm dứt hành vi vi phạm và chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ.

3. Bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ; khám người, phương tiện vi phạm; tước bỏ, vô hiệu hóa hung khí, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Trình tự, thủ tục bắt giữ, khám xét người có hành vi chống người thi hành công vụ, khám phương tiện vi phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Trường hợp tập trung đông người chống người thi hành công vụ thì tiến hành các biện pháp vận động, thuyết phục đối tượng chấm dứt hành vi vi phạm; trường hợp cần thiết phải tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng nhằm giải tán đám đông; ngăn chặn, bao vây, khống chế, cô lập, bắt giữ đối tượng cầm đầu, tổ chức, xúi giục.

5. Trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ. Việc nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Việc xử lý người có hành vi chống người thi hành công vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự.”

Các hành vi khống chế đối tượng vi phạm cũng chỉ được coi là hợp pháp nếu thuộc trường hợp “phòng vệ chính đáng” hoặc “tình thế cấp thiết” được Bộ luật Hình sự quy định. Những hành vi có tính chất vượt quá giới hạn đều là vi phạm pháp luật.

Như vậy, CSGT không có quyền đánh người vi phạm, họ chỉ có quyền hạn dùng vũ lực để khống chế đối tượng chống người thi hành công vụ và các trường hợp liên quan được quy định tại điều luật trên.

4. Cảnh sát giao thông đánh người vi phạm bị xử lý như thế nào?

Việc sử dụng vũ lực với bất kỳ cá nhân nào cũng đều là vi phạm pháp luật: bởi đây là xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Dựa vào động cơ, mục đích, hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự, cụ thể như sau:

– Xử phạt vi phạm hành chính:

Hành vi đánh người vi phạm của cảnh sát giao thông sẽ được xem là hành vi làm xâm hại sức khỏe, nhân phẩm của người khác và có thể sẽ bị xử phạt hành chính căn cứ theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP như sau:

+ Điểm d khoản 1 Điều 7:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

d. Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;”

+ Điểm a khoản 5 Điều 7:

“5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a. Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”

– Xử lý hình sự:

Trường hợp vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cảnh sát giao thông thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 137 Bộ luật Hình sự 2015 cụ thể như sau:

“1. Người nào trong khi thi hành công vụ dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a. Đối với 02 người trở lên, mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

b. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c. Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Nếu xác định hành vi đánh người của cảnh sát giao thông không xảy ra trong khi thi hành công vụ thì có thể sẽ bị xử lý hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 137 Bộ luật Hình sự 2015 với hình phạt cao nhất là tù trung thân.

Theo đó, trường hợp cảnh sát giao thông đánh người vi phạm sẽ bị xử lý tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi theo luật định.