Cụ ông 88 tuổi luôn thức dậy từ 2h sáng để làm việc dù tài sản đã có hơn 300 tỷ đồng

Có 2 lý do để câu chuyện của cụ ông này vừa xuất hiện đã gây sự chú ý của đông đảo mọi người.

– Thứ nhất: Vì sao một người  ở độ tuổi 88 vẫn có thể làm việc, lại còn làm việc vào khoảng thời gian 2h sáng. Bởi vì ai cũng nghĩ ở độ tuổi này chỉ cần tự vui chơi, sinh hoạt được đã là tốt lắm rồi chứ đừng nói gì tới chuyện làm việc và tính toán kinh tế.

– Thứ hai: Vì sao một người có tới 300 tỷ vẫn phải lao vào công việc như vậy. Nếu ở trường hợp này thì chắc hẳn những người khác sẽ đều muốn nghỉ ngơi, hưởng thụ, nghĩ xem nên sử dụng số tiền như thế nào hoặc chia tài sản thừa kế cho các con sao cho hợp lý.

Vậy nhưng, đối với cụ ông 88 tuổi sống ở Nhật Bản này thì hoàn toàn khác. Hàng ngày, ông vẫn đắm chìm trong guồng quay của công việc và giữ vững quan điểm lập trường sống của mình. Tấm ảnh ông cụ ngồi làm việc say xưa cùng dàn máy tính đều đang hoạt động đã khiến nhiều người vô cùng bất ngờ.

Thông tin về câu chuyện của cụ ông này đã được báo chí đăng tải rồi, mình chia sẻ lại chi tiết trong bài viết dưới đây cho mọi người cùng biết nhé!

2h, khi hầu hết những người khác đều đang ngủ ngon, ông Shigeru Fujimoto (88 tuổi, quốc tịch Nhật Bản) đã thức dậy, ngồi trước 3 chiếc máy tính. Ông bắt đầu đọc báo cáo tài chính, thu thập thông tin để dự đoán xu hướng của thị trường chứng khoán Nhật Bản, rồi chọn những mã cổ phiếu có khả năng sinh lời.

Đến 9h, Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo mở cửa. Chuông báo liên tục vang lên để thông báo những giao dịch mà ông Shigeru đặt lệnh có dấu hiệu tăng giá. Trên màn hình máy tính, mỗi giao dịch của ông Shigeru đều mang lại lợi nhuận cao.

“9-10h là khoảng thời gian tôi bận rộn nhất”, ông Shigeru nói. Thỉnh thoảng, ông tỏ ra khó chịu khi thực hiện sai thao tác trên màn hình máy tính. Đôi lúc, ông còn nhầm giữa lệnh mua và lệnh bán.

hình ảnh

Ông Shigeru đang làm việc ở chỗ ngồi quen thuộc của mình hàng ngày, ảnh: DSD

Ông Shigeru từng là một chủ cửa hàng thú cưng tại TP Kobe (Nhật Bản). Năm 19 tuổi, một giám đốc điều hành của công ty môi giới chứng khoán, người thường xuyên ghé cửa tiệm, đã giới thiệu cho ông về lĩnh vực đầu tư này.

Ban đầu, ông Shigeru không quá quan tâm về việc đầu tư. Ông đã bán cửa hàng thú cưng, rồi mở tiệm chơi mạt chược theo kiểu Nhật Bản. Đến năm 1986, ông mới bán cửa hàng mạt chược, dành 65 triệu yên (tương đương khoảng 10,8 tỷ đồng) để đầu tư vào thị trường tài chính.

Năm 1980, tận dụng “cơn sốt bất động sản”, ông Shigeru đã tăng tài sản của mình lên 1 tỷ yên. Thế nhưng, chẳng mấy chốc, “bong bóng” kinh tế khiến ông chỉ còn lại 200 triệu yên.

Năm 1995, trận động đất ở Hanshin đã khiến ông phải di tản và ngưng đầu tư trong một thời gian. Sau 7 năm, ông Shigeru mới có cơ hội trở lại thị trường tài chính. Ông học cách sử dụng máy tính lần đầu tiên trong đời để tự đặt lệnh mua và bán mà không cần qua điện thoại hay các quầy.

“Tuổi tác không quan trọng khi bạn nỗ lực cho mục tiêu mới”, ông Shigeru nói rằng đến khi 66 tuổi, ông mới thành thạo sử dụng máy tính và bước vào “thế giới” giao dịch trực tuyến.

Hằng ngày, ông luôn dậy từ 2h để làm việc. Ông khiến người khác ngạc nhiên khi không dùng điện thoại di động, không mua ô tô và có thói quen mặc quần áo cũ. Chiếc mũ yêu thích của ông đã “15 tuổi”. Thỉnh thoảng, ông nhờ vợ khâu lại những chỗ bị sờn rách trên chiếc mũ.

Gần đây, sức khỏe của ông Shigeru có dấu hiệu đi xuống. Tháng 2 vừa qua, ông đã bị tai biến mạch máu não lần thứ 2 nên thường xuyên đau lưng, phải chống gậy để đi lại. Thế nhưng, ông lúc nào cũng lạc quan và giữ vững nỗ lực khi làm việc.

Tài sản của cụ ông hiện tại ước tính khoảng 2 tỷ yên (tương đương hơn 336 tỷ đồng).

hình ảnh

Nhiều người già ở Nhật Bản luôn giữ vững tinh thần học tập và làm việc ngay cả khi họ rất cao tuổi, ảnh: DSD

Có thể bạn đã biết:

Người già ở Nhật Bản nổi tiếng với tinh thần học tập và rèn luyện không ngừng, bất chấp tuổi tác. Văn hóa Nhật Bản đề cao triết lý “Kaizen” – sự cải tiến liên tục, và điều này không chỉ áp dụng trong công việc mà còn trong cuộc sống hàng ngày của người cao tuổi. Dù đã nghỉ hưu, nhiều người vẫn giữ thói quen học tập và rèn luyện để duy trì sức khỏe tinh thần và thể chất.

Trong xã hội Nhật Bản, người già không coi tuổi tác là rào cản trong việc học hỏi những điều mới mẻ. Nhiều trường đại học, trung tâm giáo dục cộng đồng mở các lớp học cho người cao tuổi, từ các khóa học văn học, nghệ thuật, đến công nghệ. Họ tham gia các khóa học này không chỉ để thỏa mãn trí tò mò mà còn để duy trì sự minh mẫn, cải thiện khả năng giao tiếp và mở rộng mối quan hệ xã hội.

Ngoài việc học tập và rèn luyện cho bản thân, người già ở Nhật còn tham gia các hoạt động tình nguyện, truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Điều này không chỉ giúp họ tiếp tục cống hiến cho xã hội mà còn mang lại niềm vui và cảm giác có ích.