Đây là một trong những nội dung được nêu trong Dự thảo thay thế Quyết định 74 quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.HCM mà Sở GTVT TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP.
Theo đề án của Sở GTVT TP, để sử dụng tạm thời vào mục đích khác, vỉa hè phải đảm bảo dành ít nhất 1,5 m cho người đi bộ. Đối với lòng đường nếu được sử dụng tạm thời một phần ngoài mục đích giao thông thì phần còn lại phải đảm bảo bề rộng bố trí tối thiểu 2 làn ô tô cho một chiều lưu thông.
Dự thảo đề án quy định các hoạt động sử dụng tạm thời vỉa hè trên địa bàn do Sở GTVT hoặc UBND cấp huyện cấp phép theo thẩm quyền quản lý từng tuyến đường…
Cụ thể, sẽ có 5 trường hợp được sử dụng tạm thời một phần hè phố không phải cấp phép sử dụng gồm: tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang; tổ chức kinh doanh dịch vụ mua, bán hàng hóa (hàng hóa phải thuộc danh mục do UBND cấp huyện ban hành); điểm để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ trông, giữ xe; bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng, lắp đặt các công trình tạm, các công trình phục vụ tổ chức giao thông trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông; bố trí đường dành cho xe đạp.
Sở GTVT lưu ý việc tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang phải được thông báo cho UBND cấp xã nơi cư trú để được hướng dẫn và phần hè phố có thời gian sử dụng không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 72 giờ với đám tang.
Có 4 trường hợp muốn sử dụng tạm thời một phần hè phố phải được cấp phép sử dụng là: tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội); điểm trông giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa (đối tượng được phép sử dụng phải là các tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép); điểm trông, giữ xe có thu phí. Với trường hợp này, UBND cấp huyện sẽ ban hành danh mục các tuyến đường có phần hè phố đủ điều kiện bố trí điểm trông, giữ xe có thu phí.
Các trường hợp: tổ chức các hoạt động văn hóa như thể thao, diễu hành, lễ hội cùng điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động này; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị và điểm trông, giữ xe có thu phí sẽ được sử dụng tạm thời một phần lòng đường trên cơ sở danh mục các vị trí được Sở GTVT ban hành.
Sở GTVT, UBND cấp huyện có thẩm quyền xem xét cấp phép sử dụng tạm thời một phần hè phố đối với các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp phép. Trường hợp đề nghị cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vừa thuộc thẩm quyền của Sở GTVT, vừa thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện sẽ do Sở GTVT xem xét giải quyết.
Người dân, doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần lòng đường và hè phố sẽ nộp hồ sơ gồm đơn đề nghị cấp phép, bản vẽ vị trí mặt bằng đề nghị cấp phép có đầy đủ thông tin vị trí, phạm vi sử dụng, phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông… gửi về cơ quan có thẩm quyền. Thời gian giải quyết hồ sơ được yêu cầu trong 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định. Giấy phép có thời hạn hiệu lực không quá 12 tháng.
Về phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, Sở GTVT nêu rõ đây là khoản thu đối với tổ chức, cá nhân được phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Song, dự thảo đề án chưa nêu rõ mức phí bao nhiêu.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá vấn đề căn cơ nhất trong quản lý và sử dụng vỉa hè là công tác quy hoạch. Từ đó, thành phố sẽ xác định khu vực vỉa hè nào được khai thác, được thực hiện các loại hình nào và cơ chế, quy chế quản lý ra sao. Có những nơi, vỉa hè chỉ được sử dụng cho chức năng đi bộ, không gian công cộng. Những nơi đủ điều kiện sẽ kết hợp nhiều chức năng khác. Trên cơ sở quy hoạch và phân định rõ chức năng của vỉa hè, lòng đường, chính quyền cơ sở sẽ quản lý, giám sát; nếu buông lỏng sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu.