Đề xuất hạ tiền phạt nồng độ cồn: Nhậu mức tối thiểu có an toàn?

Theo chuyên gia, dù nồng độ cồn của người điều khiển xe chỉ ở mức 50 miligam/100 mililit máu (mức phạt tối thiểu) cũng có thể làm giảm sự cảnh giác, kém nhanh nhạy để xử trí các tình huống nguy hiểm.

Bộ Công an vừa đề xuất hạ thấp mức phạt tiền so với quy định hiện hành đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (mức vi phạm tối thiểu) khi tham gia giao thông, để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Cụ thể, đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ điều khiển xe trên đường, Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng, thay vì mức phạt 6-8 triệu đồng hiện hành.

Mức phạt đề xuất với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự là 400.000-600.000 đồng (quy định hiện tại là 2-3 triệu đồng), còn xe máy chuyên dùng là 800.000-1 triệu đồng (hiện tại 3-5 triệu đồng).

Đề xuất hạ tiền phạt nồng độ cồn: Nhậu mức tối thiểu có an toàn? - 1
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế vào ban đêm (Ảnh: Đ. Cường).

Đề xuất trên được nhiều Đại biểu Quốc hội và người dân ủng hộ, cho rằng phù hợp với thực tiễn cuộc sống, mang tính nhân văn, phù hợp hơn với phong tục tập quán và điều kiện kinh tế của đại đa số người dân lao động.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến còn tranh cãi về việc mức vi phạm tối thiểu nêu trên đã khiến người dân mất kiểm soát khi điều khiển phương tiện giao thông hay chưa. Đồng thời, câu hỏi đặt ra là việc uống rượu bia thế nào, nhậu xong nghỉ bao lâu thì không còn khả năng vi phạm quy định về nồng độ cồn?

Nồng độ cồn mức tối thiểu có “an toàn”?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, nguyên Phó hiệu trưởng, nguyên Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, việc sử dụng rượu bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng điều khiển xe, và nồng độ cồn càng cao sẽ càng có nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Cụ thể, ở mức nồng độ cồn trong máu là 0,08% (80 miligam/100 mililit máu), khả năng tập trung, xử lý tình huống và phối hợp cơ đều bị ảnh hưởng, nguy cơ tai nạn tăng rất nhanh. Đó là lý do hầu như không có quốc gia cho phép điều khiển xe ở nồng độ cồn trong máu từ 0,08% trở lên.

Ở mức thấp (khoảng 0,05%, 50 miligam/100 mililit máu), rượu bia tạo cảm giác sảng khoái, thoải mái, phần nào làm giảm bớt mức độ cảnh giác, giảm khả năng kiểm soát các cơ nhỏ, như cơ ở nhãn cầu.

Khi điều khiển xe ở nồng độ này, khả năng của mắt theo dõi các vật thể chuyển động bị ảnh hưởng, điều khiển xe khó khăn hơn và kém nhanh nhạy để xử trí các tình huống nguy hiểm.

Phó giáo sư Dũng nhận định, một người có kỹ năng lái xe tốt, cẩn thận, lái ở tốc độ vừa phải, có sảng khoái vẫn luôn cảnh giác thì có thể không gây tai nạn ở mức độ cồn 0,05%. Nhưng dù sao, việc có nồng độ cồn trong máu cũng làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Thống kê ở Hoa Kỳ, mỗi ngày có khoảng 40 người chết vì tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia. Trong đó, có khoảng 32 trường hợp mang nồng độ cồn trong máu là 0,08% trở lên, 8 trường hợp có nồng độ cồn trong máu ở nồng độ thấp (từ 0,01% đến 0,07%).

“Khi ý thức chấp hành giao thông của một số người dân còn chưa cao, đường sá chưa hoàn toàn đạt tiêu chuẩn và với mong muốn bảo vệ sức khỏe tối đa người dân, việc cấm tuyệt đối rượu bia khi tham gia giao thông là phù hợp.

Tuy nhiên, nguy cơ gây tai nạn ở mức cồn trong máu 0,05% trở xuống là thấp hơn đáng kể so với mức độ cồn cao. Vì vậy, hạ thấp mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 0,05% (50 miligam/100 mililit máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở) là phù hợp”, ông Dũng nói.