Đề xuất quyền ‘ngắt liên lạc với sếp’ ngoài giờ làm

Lãnh đạo Tổng liên đoàn Công đoàn Trung Quốc cho rằng “ngắt kết nối” là quyền cơ bản của người lao động, cần đưa vào luật, định nghĩa rõ ràng và xử phạt người vi phạm.

Lyu Guoquan, thành viên Ủy ban Quốc gia của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc kiêm Chánh Văn phòng Tổng Liên đoàn Công đoàn Quốc gia đã đệ trình ý kiến này lên hai cuộc họp Quốc hội và được chấp thuận.

Ông cho hay điều này nhằm kêu gọi cải thiện luật pháp và quy định để ngăn chặn người lao động phải làm thêm việc trong thời gian nghỉ ngơi chính đáng, như cuối tuần hoặc ngày lễ chính thức.

Ông cho rằng sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số và sự phổ biến của Internet đã giải phóng người lao động khỏi thời gian và địa điểm làm việc cố định. Song, quyền nghỉ ngơi hoặc quyền riêng tư của nhân viên cũng bị đe dọa, vì họ có thể phải làm việc hoặc trả lời tin nhắn của sếp ngoài giờ làm.

“Quyền ngắt kết nối của người lao động là động thái cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững và thúc đẩy sinh kế, cải thiện quan hệ lao động”, ông Lyu Guoquan cho hay. Nếu nhân viên bị sếp gọi điện, liên lạc để trao đổi công việc khi đã hết giờ làm, theo ông, cần được tính lương.

Hầu hết ý kiến thăm dò trên mạng ủng hộ điều này.

Qian Yue, 32 tuổi, nhân viên lập kế hoạch quảng cáo của một công ty truyền thông ở Bắc Kinh, cho biết cô thường lo lắng khi điện thoại không ở gần và có phản ứng căng thẳng khi nhận được tin nhắn liên quan công việc vào ban đêm hoặc cuối tuần.

“Tôi phải kiểm tra email và WeChat mọi lúc, kể cả trong ngày nghỉ. Thời gian làm việc ở công ty từ 9h30 sáng đến 18h, nhưng sếp thường bắt đầu gửi cho tôi email hoặc tin nhắn liên quan đến công việc vào khoảng 7h. Bạn không thể tưởng tượng được tôi cảm thấy căng thẳng thế nào khi nhìn thấy những tin nhắn này ngay khi thức dậy”, Qian nói.

Cô ấy nói thấy như mình phải làm nhiệm vụ 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần. “Một khách hàng có thể gọi cho bạn vào tối thứ 7 và bạn không thể từ chối. Sau đó, tôi phải báo cáo ý kiến của khách hàng với sếp và hoàn thành công việc sửa đổi trước thứ hai”.

Đây không phải là lần đầu tiên cuộc tranh luận về “quyền ngắt kết nối” được lan truyền trực tuyến ở Trung Quốc.

Người lao động Trung Quốc cho hay, không thể tách rời công việc dù đã hết giờ làm. Ảnh: JP Times

Nhiều người lao động Trung Quốc cho hay không thể tách rời công việc dù đã hết giờ làm. Ảnh: JP Times

Vừa hồi tháng 1, TAND Bắc Kinh xử một vụ kiện liên quan chủ đề này.

Nguyên đơn họ Li khai cô đã phải “nghe lệnh sếp” và làm thêm online khoảng 596 giờ trong năm. Cô kiện công ty, yêu cầu trả 200.000 tệ cho điều này (335 tệ mỗi giờ, tương đương 1,1 triệu đồng). Tòa đã ra phán quyết Li thắng kiện và buộc doanh nghiệp trả tiền cho cô.

Tách công việc khỏi cuộc sống là một câu hỏi hóc búa mang tính toàn cầu. Năm 2016, Pháp đã thông qua dự luật về “quyền ngắt kết nối”, quy định ngoài giờ làm việc. Các công ty có trên 50 nhân viên không được gửi email liên quan công việc cho nhân viên của mình và nhân viên không cần trả lời những tin nhắn nói trên sau giờ làm việc.

Các luật tương tự cho phép nhân viên có quyền tắt thiết bị liên lạc của họ đã được áp dụng ở Pháp, Tây Ban Nha và các quốc gia khác trong Liên minh Châu Âu. Vừa qua, Australia cũng vừa thông qua luật này.