Hành trình kỳ diệu của bé sinh non 1kg, bác sĩ từng phán: “Đứa bé chết đi sống lại mấy lần, không thể tin được”
Với chị Thiên Hương, quãng thời gian từng trải qua là những khoảnh khắc không bao giờ chị có thể quên được.
Cha mẹ nào cũng mong con khỏe mạnh, đủ ngày đủ tháng chào đời. Thế nhưng không phải ai cũng có được may mắn ấy, nhất là những người mẹ không may có con sinh non vì nhiều lý do. Đó là một hành trình gian nan, mệt mỏi, nhiều nước mắt nhưng cũng tràn đầy tình yêu thương và hy vọng. Có lẽ, chỉ có những người mẹ đã trải qua hoàn cảnh này mới thấu được những vất vả của những cặp vợ chồng có con sinh non.
Chị Thiên Hương (sống tại Hà Nội) từng trải qua quãng thời gian khủng khiếp ấy mà mỗi khi nhớ lại, chị đều cảm thấy nghẹn ngào. Con gái Hà Linh của chị nay đã lớn nhưng những ký ức lúc nào cũng vẹn nguyên trong lòng chị.
—- “Mẹ không thể tin con gái của mẹ sinh non 28 tuần 3 ngày và nặng 1kg”
Em bé lớn dần trong bụng mẹ cho đến tuần 27. Sáng hôm đấy, mẹ vẫn đi làm bình thường. Đến cơ quan, mẹ đau bụng từng cơn. Cứ 10-15 phút một cơn. Chiều hôm ấy mẹ thấy ra máu, đi khám thì cổ tử cung đã mở 3 phân rồi. Vừa kịp lên sản C cũng là lúc bụng mẹ đau dữ dội hơn, cơn gò ngày 1 nhiều, cổ tử cung tiếp tục mở, máu chảy ồ ạt, bác sĩ yêu cầu mẹ đẻ ngay chứ không thể đợi chờ thêm được nữa.
Đầu óc mẹ lúc đấy chẳng biết gì nữa, cứ liên tục hỏi bác sĩ liệu có cứu được con không. Con gái mẹ còn nhỏ quá, mới chỉ 1kg thôi mà. Con còn chưa được tiêm trưởng thành phổi nữa. Bác ấy an ủi mẹ : “Duyên trời cháu ạ, cô tiêm 1 mũi đợi đến 12h đêm cô tiêm thêm mũi nữa, cháu đừng rặn nữa nhé, cố gắng nhịn”.
Nhưng mẹ đau quá rồi, mẹ bất lực rồi, nước mắt mẹ nhòe đi, mẹ bảo: ” Cháu không chịu thêm được nữa rồi cô ạ”. Vậy đấy, cô ấy vừa đưa bàn đỡ đẻ lại, mẹ rặn 2 phát là bục, em bé của mẹ sinh ra vỏn vẹn 1kg thôi, mẹ chỉ kịp nghe thấy em khóc, không được chạm vào em thì bác sĩ mang em đi cấp cứu rồi. Đến lúc đấy mẹ vẫn không tin rằng con gái của mẹ sinh non 28 tuần 3 ngày và nặng 1kg.
—- Cô điều dưỡng bảo: “Con yếu lắm em ạ, gia đình xác định nhé, 40-60 thôi”
Mẹ được chuyển về nằm tầng 3 khoa Sản chậu Tòa BC còn con được cấp cứu trên tầng 6. Mẹ hỏi bố con sao rồi bố và bà đều bảo con ổn, mẹ cứ yên tâm giữ gìn sức khỏe. Mẹ biết mọi người nói dối mẹ. Nằm đấy 3 ngày, mẹ ngóng từng tin về con, nhìn những người mẹ khác được đón con về nằm cùng mẹ tủi thân lắm.
Đến ngày thứ 3 mẹ phải ra viện, mẹ đòi bố cho mẹ đi thăm em. Mẹ lết từng bước vào phòng 604, con gái mẹ nhỏ xíu nằm thoi thóp trong lồng kính với đủ dây dợ chằng chịt. Cô điều dưỡng bảo: “Con yếu lắm em ạ, gia đình xác định nhé, 40-60 thôi”. Mẹ tưởng như ngất luôn trong đó, mẹ không nhìn thấy đường nữa, bố dìu mẹ về nhưng mẹ không muốn về, mẹ muốn ở bên con.
Mọi người bảo mẹ phải giữ gìn sức khỏe để có sữa gửi vào cho con thì con mới nhanh khỏe được. Thế là ngày 8 lần mẹ vắt sữa chia ra từng túi nhỏ để bố cầm đi gửi. Lần nào về bố cũng bảo em khỏe, bố không muốn mẹ đi vì sợ mẹ mệt.
Thế nhưng không phải, 3 ngày sau khi ra đời, con chảy máu phổi không cầm được, nhiễm khuẩn ruột nặng không ăn sữa được, bác sĩ gọi bố và bà lên để về xác định tư tưởng cho mẹ. Mẹ không tin là sẽ mất con, mẹ tin con mẹ sẽ vượt qua được hết.
—- Ròng rã 56 ngày đêm: 25 ngày thở máy, 17 ngày thở mũi, 14 ngày tập cai oxy
Đến bây giờ, người bác sĩ cứu con vẫn bảo: “Đứa bé này chết đi sống lại mấy lần rồi, đến bác còn không thể tin được”. Bố mẹ sợ cả tiếng chuông điện thoại, lần nào mà thấy số lạ là chân tay rụng rời không dám nghe máy, chỉ sợ phải nghe thông tin xấu từ con. Ròng rã 56 ngày đêm: 25 ngày thở máy, 17 ngày thở mũi, 14 ngày tập cai oxy – Từ 1ml/ 1 bữa đến 35ml/ bữa, em của mẹ tăng được 7 lạng và được ra ấp mẹ.
Ngày đầu tiên ôm con gái nhỏ vào lòng, tay mẹ run lắm, được da kề da, nước mắt mẹ cứ chảy thôi. Mẹ xúc từng thìa cho em ăn chỉ sợ em sặc với tím tái. Nằm dịch vụ 1 tháng, em của mẹ chỉ lên được 4 lạng vì phải truyền kháng sinh do nhiễm trùng máu. Bàn tay bàn chân của em chi chít chỗ lấy ven.
Lần nào đi truyền về, các cô bế em về em nằm im mắt mở nhìn mệt mỏi lắm. Cả 1 ống kháng sinh to như vậy bảo sao con mẹ không mệt. Xót xa lắm! Những ngày ấy, mẹ với em thì nằm trên. Bà nội, bà ngoại và bố thì thay phiên nhau nằm dưới gầm giường, bà ngoại suốt ngày trêu là khách sạn xịn quá. Trộm vía em biết mọi người vất vả vì em nhiều nên em ngoan lắm, 1 tháng nằm dịch vụ em chả khóc tí nào, bố còn bảo mẹ con mình hiền nhỉ.
—- Mẹ stress đến mức không muốn ai động vào con ngoài mẹ
Tròn 1 tháng về nhà là cả nhà thay phiên nhau trực đêm, ấp con 12/24h. Mẹ cũng lần đầu tiên biết matxa cho con gái, biết tắm cho con gái. Con của mẹ chỉ có 2kg1 thôi, bé tẹo ý. Người ta bảo nuôi 1 trẻ sinh non vất vả bằng 10 trẻ sinh đủ tháng. Câu này chẳng sai chút nào. Những ngày đầu mẹ áp lực về cân nặng, áp lực vì sợ con có cơn ngưng thở bất cứ lúc nào.
1 tháng trời nhà mình bật đèn 24/24h, điều hòa 27 độ cả ngày, 2 bà với bố mẹ đeo khẩu trang đến lằn cả má. Mọi người thay phiên nhau ngủ chỉ để nằm trông con. Lần đầu tiên con sặc sữa lên mũi, mẹ sợ lắm nhưng phải bình tĩnh vì chỉ có mẹ là người có thể xử lý được ngay lúc ấy. Có những ngày con trớ đến 4-5 lần, cứ vừa ti xong 50ml, mẹ vừa rút bình ra chưa kịp vỗ ợ hơi là con phun ồng ộc hết sữa ướt cả mẹ lẫn con, lại tiếp tục ăn lại từ đầu.
Mẹ stress đến mức không muốn ai động vào con ngoài mẹ. Ngày mẹ nhận 4 chữ vàng: “Võng Mạc Trưởng Thành” sau 6 lần khám mắt của con, mẹ khóc như mưa trước cửa phòng khám đến mức mọi người tưởng mẹ làm sao.
Rồi khi đo thính lực cho con, lần 1 không đạt , lần 2 chỉ được 1 bên, đến lần 3 cả 2 bên mới tạm ổn. Thật may mắn tai mắt của con hoàn toàn trưởng thành mà không cần bất cứ sự can thiệp nào.
—- Chúc con gái của mẹ một đời an yên con nhé!
Mẹ cố gắng tập vận động cho con theo kịp các bạn đủ tháng. Trộm vía con gái mẹ biết tự vịn đứng với đi men rồi. Chỉ là con hơi hạt tiêu xíu thôi. Con biết tặc lưỡi, bập môi, biết vỗ tay hoan hô, biết khóc theo mẹ hoặc bố. Ngày con ăn được 700-800ml sữa nhưng cháo thì chỉ nhìn là lắc đầu lia lịa. Sữa chua, váng sữa 5 phút hết hộp, bánh gạo vèo phát hết cái thế mà cháo lại không cần ăn.
Để có được như ngày hôm nay, có con bên cạnh bố mẹ như bây giờ. Người mà bố mẹ mang ơn nhiều nhất là Bác Diệu Linh – phó giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh của bệnh viện Phụ sản Trung ương – người đã cứu sống con gái bé nhỏ của bố mẹ. Rồi bác sĩ Tuấn Anh đã điều trị khỏi nhiễm trùng máu cho con, bà Huân lúc nào cũng hỏi thăm con, khen con ngoan lấy ven không khóc, bác Vũ Phương chăm con những ngày đầu con mới ở viện về k quản đường xá xa xôi, cả cô Quỳnh nữa chứ, mẹ nhắn tin hỏi gì cô cũng tận tình trả lời. Thật sự mẹ con con biết ơn các cô các bác rất nhiều.
Mẹ con cảm ơn ông bà và người thân nội ngoại 2 bên đã luôn bên cạnh chăm sóc, đùm bọc 2 mẹ con con. Em Xoài được như bây giờ là công sức chăm sóc rất lớn của bà nội, bà ngoại.
Cảm ơn bố Xoài rất rất nhiều. Một năm qua công việc của anh bị ảnh hưởng không nhỏ vì 2 mẹ con em. Những ngày trời nắng như đổ lửa, bố ngược xuôi mang sữa đến viện cho con rồi lại về làm, tan làm lại mang lên viện tiếp để kịp bữa sữa khác. Bố bảo ngày bác sĩ bảo bố chuẩn bị tâm lý, bố ngồi ghế trước của bệnh viện khóc vì bất lực, không biết sẽ phải nói như thế nào với mẹ. Đêm hôm đó, mẹ nhớ bố ôm mẹ an ủi bảo mẹ là mình còn trẻ, còn làm lại được, cả 2 cùng khóc vì không biết ngày mai con sẽ ra sao. Bố vì 2 mẹ con mà vất vả đến già hẳn đi. 2 mẹ con thương và yêu bố rất nhiều!
Chúc con gái của mẹ một đời an yên con nhé!