Hiện trạng 6 cầu ở Hà Nội và các tỉnh cấm xe do mưa lũ

Cầu Long Biên, Chương Dương, Trung Hà, Vĩnh Phú, Đuống, Phong Châu bị mưa lũ uy hiếp, phải cấm xe để đảm bảo an toàn.

Bấm để lật ảnh sau/trước

Lũ cao nhất trong 16 năm qua khiến nước sông Hồng tràn qua khu vực bãi bồi đoạn qua cầu Chương Dương và Long Biên (Hà Nội), uy hiếp khu dân cư ven gần đó, trưa 11/9.
Tối qua, khi nước sông Hồng tại cầu Long Biên lên 10,5 m (mức báo động 2), chính quyền Thủ đô phát cảnh báo đến 10 quận huyện, đồng thời cấm xe trên  cầu Long Biên . Hiện để qua sông Hồng, người dân đi cầu Chương Dương (cấm xe tải trọng lớn), Thăng Long, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thanh Trì.


Bấm để lật ảnh sau/trước

Với lệnh cấm này, người đi bộ, xe đạp, xe máy, xe ba bánh không được qua cầu nối quận Hoàn Kiếm với Long Biên. Đường sắt cũng dừng tàu hỏa chạy qua cầu này.

Barrie rào chắn đầu cầu có tuổi đời hơn 120 năm phía quận Hoàn Kiếm.


Bấm để lật ảnh sau/trước

Nước sông dâng cao ngập các trụ chắn sóng cầu Long Biên. Chiều 10/9, cầu vắng xe qua lại so với trước đó.

Cầu Chương Dương  gần đó cũng cấm các xe trọng tải lớn khi nước sông Hồng dâng gần chạm mép cầu. Công trình được xây cách đây 39 năm, mỗi ngày khoảng 95.000 lượt xe qua lại, gấp 8 lần so với thiết kế.

Cách cầu Chương Dương khoảng 7 km, cầu bắc qua sông Đuống cũng cấm xe do lo ngại mất an toàn khi nước lên cao.
Cầu Đuống  có tuổi đời xấp xỉ cầu Long Biên (thông xe năm 1902), nối phường Đức Giang, quận Long Biên với thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội).


Bấm để lật ảnh sau/trước

Cầu Trung Hà  nối TP Hà Nội với Phú Thọ cũng cấm xe nhằm đảm bảo an toàn trước diễn biến phức tạp của mưa lũ.
Cầu nằm trên quốc lộ 32, bắc qua sông Đà, là tuyến huyết mạch nối Hà Nội với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Công trình được đầu tư xây dựng năm 1999, đưa vào khai thác năm 2002 với chiều dài 743 m.

Người dân muốn qua cầu Trung Hà phải đi bộ, sau đó nhờ người đón ở bên kia cầu chở để tiếp tục hành trình.
Trong thời gian cấm cầu, các xe từ Tam Nông đi Lâm Thao, TP Việt Trì, Hà Nội, Vĩnh Phúc đi qua cầu Ngọc Tháp. Với hướng từ Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn đi Hà Nội qua cầu Đồng Quang đến huyện Ba Vì.


Bấm để lật ảnh sau/trước

Hồi tháng 1, cầu Trung Hà bị  xói lở hai trụ , phải sửa chữa. Hiện mực nước sông Đà dâng cao che lấp một phần các trụ của cầu.

Cầu Vĩnh Phú  bắc qua sông Lô, nối tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc cũng cấm xe từ sáng qua sau khi bị 7  tàu, sà lan mắc kẹt dưới gầm cầu . Công trình dài hơn 500 m (phần cầu 290 m), rộng 19 m, 4 làn xe, đưa vào sử dụng tháng 8/2023.

Lối lên cầu Vĩnh Phú hiện bị phong toả. Nhà chức trách hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc đã thống nhất để lực lượng chức năng Vĩnh Phúc kiểm định lại cầu trước khi đề xuất phương án cho xe chạy trở lại.

Hư hại nặng nhất là  cầu  Phong Châu  nối huyện Tam Nông và Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Sáng 9/9, cầu bị sập khiến 10 ôtô, 2 xe máy, 13 người rơi xuống sông. Đến nay 8 người chưa tìm thấy.

Hai đầu cầu Phong Châu đang đặt bảng cấm để phục vụ cho điều tra và tìm kiếm. Cầu sập dài gần 380 m, rộng 9,5 m, đưa vào sử dụng năm 1995. Hiện, nhà chức trách đang đề nghị xây cầu mới thay cầu bị sập.

Ngoài 6 cầu nói trên, các tỉnh phía Bắc cũng  cấm xe  ở nhiều cầu vì lo ngại nước lũ chảy siết dẫn tới nguy cơ sập.

Vị trí 6 cầu trên các tuyến huyết mạch. Đồ họa:  Đỗ Nam