Cho con đi học phụ đạo, học thêm quá nhiều chưa chắc tốt, con nhà người ta không đi học thêm chưa chắc đã là thiệt thòi.
Không biết từ bao giờ, học thêm, phụ đạo trở thành điều “bắt buộc” dưới cái mác “tự nguyện”. Dù nói là cha mẹ tự nguyện cho con đi học, nhưng nhìn vào thực tế, lớp 20 em, đi học thêm hết 18 em. Những em nào đi học thêm thì điểm kiểm tra cao chót vót, không đi học thêm thì điểm thấp lè tè.
Có em dù chẳng thích đi học thêm nhưng vẫn cứ nằng nặc đòi mẹ xin cô giáo cho đến nhà cô học toán. Con bảo, mấy bạn đi học thêm cô dạy trước hết rồi, lên lớp cô chẳng dạy gì cả, chỉ cho làm bài tập, trong khi con chưa kịp hiểu gì hết. Làm kiểm tra, các bạn điểm cao vì cô cho giải đề trước ở lớp học thêm. Con thì ngáo ngơ không biết làm gì, điểm toàn 4, 5.
Thôi thì con nói sao mẹ nghe vậy, cũng ráng cho con đi học thêm. Đúng là học kỳ sau đó, điểm môn toán con cao hơn hẳn. Vì những chuyện như thế mà hỏi sao cứ phải bắt con đi học thêm. Đến cả môn văn còn phải học thêm là hiểu rồi.
Tuy nhiên, việc học thêm chỉ lợi được mỗi điểm số trước mắt. Về lâu dài, học sinh đi học thêm và không học thêm sẽ có khoảng cách rõ rệt. Con đi học thêm cho lắm vào mà sau này lại thua đứa không đi học thêm, vậy mới khó hiểu đó.
Ảnh mang tính minh họa: sohu
Giờ trẻ con đi học trên lớp đã đủ mệt, vậy mà còn phải gánh cả học thêm, phụ đạo, ngoại khóa. Có bé mới tiểu học mà đến trường buổi sáng, trưa về ăn cơm rồi lại hối hả đi học thêm, tới chiều tối về lại tiếp tục làm bài tập về nhà. Nhiều khi lịch học thêm còn dày đặc hơn cả lịch học trên lớp, cha mẹ đưa đón con cứ như chạy show.
Lo con học kém bạn, không theo kịp bài, điểm thấp, không được giấy khen, không vào trường tốt, vào đại học… có quá nhiều lý do để phụ huynh cho con đi học thêm. Dù các lớp học thêm không hề rẻ, có khi đóng tiền bán trú ở trường 1 tháng chỉ 2, 3 triệu, tiền học thêm 1 tháng đã 4, 5 triệu.
Nhưng đâu phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con đi học thêm. Nhiều phụ huynh cảm thấy không cho con đi học thêm được là thiệt thòi. Học tốt nhưng điểm vẫn cứ thua con nhà người ta.
Cái này cũng chưa chắc, giờ thì cứ nghĩ mấy em không được đi học thêm là thua thiệt. Sau 3 năm, đặc biệt là lúc lên đại học sẽ thấy rõ mười mươi, học thêm có khi không bằng.
Ảnh mang tính minh họa: sinchews
Có chia sẻ dẫn chứng về hai học sinh là bạn thân cấp 3, điểm số đều ngang nhau. Nhưng một em mỗi ngày đều học thêm, em còn lại thì không. Không ngờ rằng sau 3 năm, khi lên đại học, khoảng cách giữa hai người khá rõ ràng. Em học thêm cả ngày lên đại học điểm số giảm đáng kể, tinh thần sút kém.
Ngược lại em không học thêm, bù lại năng nổ, hiệu quả học tập cao, bỗng chốc lên hạng nhất. Lý giải cho sự khác nhau này là do học sinh suốt ngày đi học thêm, thiếu thời gian vui chơi, nghỉ ngơi, giải trí. Chất lượng giấc ngủ kém, đến khi lên đại học như trút được gánh nặng, buông lỏng việc học nên kết quả bị kém đi.
Còn em không học thêm, bù lại có nhiều thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, tinh thần hăng hái. Chưa kể, em có nhiều thời gian vui chơi và tiếp thu các kỹ năng xã hội. Điều này giúp ích rất nhiều khi lên đại học và ra trường chứ không phải điểm số.
Học thêm không phải là xấu, nếu các em có môn không tốt, muốn được kèm thêm thì đó là nhu cầu chính đáng. Nhưng đi học thêm vì điểm số, em nào không học thì bị điểm thấp mới là điều cần phải được xem lại. Việc vào lớp học thêm chỉ để học những gì sẽ kiểm tra, giáo viên chuẩn bị sẵn đề bài kèm lời giải sẽ gây hại cho học sinh.
Ảnh mang tính minh họa: sinchews
Các em sẽ mất đi khả năng tự học, giảm hiệu quả nghe giảng trên lớp. Chưa kể, thời gian học thêm cũng chiếm quá nhiều, thậm chí có phần lấn át giờ học trên lớp. Điều này sẽ khiến các em chểnh mảng những môn học phụ, chỉ lo tập trung học ở lớp và học thêm nhưng môn chính.
Chưa kể, nhiều phụ huynh bị những lời quảng cáo không rõ ràng mà đăng ký cho con học thêm lớp kém chất lượng. Con học túi bụi từ sáng đến tối mà chẳng thu được gì. Cha mẹ mất tiền, con mất sức khỏe, mất giấc ngủ, vậy thì đi học thêm để làm gì hả mọi người.
Việc ép con học quá nhiều sẽ khiến trẻ rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi quá mức, gây ức chế tinh thần. Học thêm cũng có mặt tốt nhưng chỉ nên để học sinh đi học thêm khi con đồng ý và cảm thấy chịu nổi. Chứ cứ cố ép, muốn giỏi, muốn điểm cao mà hy sinh giấc ngủ, tuổi thơ của con thì nguy to.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân