Du khách nước ngoài đến Việt Nam đều cảm thấy choáng ngợp trước tình hình giao thông tại đây. Họ ngơ ngác khi không được nhường đường hoặc sợ hãi mỗi lần đi bộ dưới lòng đường do vỉa hè bị chiếm dụng.
Sang đường – kỹ năng không thể thiếu với khách Tây
“Ô! Sao không thấy ai nhường đường cho chúng tôi? Rõ ràng chúng tôi đang đứng ở làn đường ưu tiên? Mà tại sao, họ lại còn bấm còi inh ỏi?”, Claire, nữ du khách Pháp, thắc mắc với anh Quang Hưng khi đã cố kiên nhẫn chờ đợi 5 phút mà dòng xe cộ cứ liên tiếp lao tới từ hai hướng.
Nơi họ đứng có làn đường dành cho người đi bộ, nhưng không có đèn tín hiệu. Nhiều người điều khiển xe máy, ô tô cứ chăm chăm lao về phía trước mà chẳng hề quan tâm đến vạch kẻ ưu tiên trên đường.
Anh Hưng sau đó đã hướng dẫn vị khách áp sát mình, khéo léo tiến hoặc lùi nhịp nhàng, tránh từng chiếc xe để đi sang bên kia đường.
Du khách chủ yếu đi dưới lòng đường khi tham quan phố cổ Hà Nội (Ảnh: Hữu Nghị).
Làm hướng dẫn viên du lịch hơn 20 năm, chuyên phụ trách khách du lịch nói tiếng Pháp đến từ các nước Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Canada, anh Quang Hưng (sinh sống tại Hoài Đức, Hà Nội) thường xuyên gặp phải những tình huống tương tự.
Không ít lần, sau khi sang đường ngoái lại, anh vẫn thấy du khách đứng “chôn chân”, hoang mang trước dòng xe cộ đông đúc. Kỹ năng qua đường được anh Hưng hướng dẫn trước đó, họ vẫn không dám áp dụng. Mỗi lần như vậy, anh phải quay lại để đưa họ sang đường.
Chia sẻ với Dân trí, anh Hưng cho biết, bất cứ khi nào tiếp nhận một đoàn khách mới, anh đều chia sẻ với họ các kỹ năng cần thiết khi tham gia giao thông ở Hà Nội.
“Giao thông ở các thành phố lớn của nước ta nhiều nơi khá lộn xộn, mạnh ai nấy đi. Nhiều người đi từ phía sau, cắt từ trong ngõ ra hoặc ngược chiều nhưng đi rất nhanh. Tôi thường phải dặn dò du khách chú ý quan sát để đảm bảo an toàn”, anh Hưng nói.
Nếu không đi dưới lòng đường, du khách buộc phải luồn lách qua hàng hóa, xe cộ (Ảnh: Hữu Nghị).
Khách du lịch khi đến Hà Nội thường rất thích đi bộ, tham quan phố cổ. Họ sẽ tới các điểm như chợ Đồng Xuân, Đào Duy Từ, Hàng Lược, Kim Mã, Hàng Ngang, Hàng Đồng, Mã Mây, Bờ Hồ… Tuy nhiên, vỉa hè của những khu vực này thường xuyên bị chiếm dụng phục vụ các mục đích buôn bán. Vì vậy, anh Hưng buộc phải dẫn khách đi dưới lòng đường.
“Tôi thường dặn du khách nếu đoạn nào có vỉa hè thì đi lên vỉa hè. Còn đoạn nào bị chiếm xếp hàng hóa, bàn ghế thì đi xuống lòng đường, cần đi sát vào lề đường bên phải, quan sát để tránh các loại xe to, thậm chí dừng hẳn lại chờ nếu thấy nguy hiểm. Nhiều du khách thắc mắc về việc tại sao họ phải đi dưới lòng đường? Tôi đành phải giải thích đó là “nét đặc thù” ở các con phố Hà Nội.
Tôi thường đùa với khách, ở Việt Nam nếu muốn qua đường thì phải thường xuyên di chuyển nhưng di chuyển chậm. Nếu chờ nhường được thì sẽ không bao giờ qua được đường”, anh Hưng cho hay.
Với nhiều du khách, đi bộ khi đến Hà Nội là hoạt động không thể thiếu tuy nhiên, họ thường phải di chuyển dưới lòng đường (Ảnh: Minh Hoàng).
“Choáng ngợp” với giao thông tại Việt Nam
Anh Mads Werner, 29 tuổi, quốc tịch Đan Mạch, đã sống và làm việc tại Việt Nam 9 năm. Ấn tượng đầu tiên của anh về giao thông Việt Nam là “hỗn loạn” và “quá tải”.
“Lưu lượng xe máy trên đường phố đông đến kinh ngạc. Tôi phải mất một thời gian để thích nghi với tốc độ và cường độ giao thông”, Mads nói.
Những người bạn của anh lần đầu đến Việt Nam cũng bị “choáng ngợp” với tình hình giao thông. Họ nhanh chóng thích nghi và học cách trải nghiệm. Một số thậm chí còn thuê xe máy tự mình khám phá thành phố.
Sau khi hòa nhập với văn hóa và lối sống Việt Nam, Mads coi thực trạng giao thông lộn xộn tại đây như một trải nghiệm độc đáo, phản ánh chân thực sức sống của quốc gia này.
Thường xuyên lái xe ở Hà Nội, nỗi sợ hãi lớn nhất của Mads là sự khó lường của các tài xế khác. Theo anh, những chiếc xe máy có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong tình trạng người điều khiển không tuân thủ luật giao thông.
“Qua đường ở Việt Nam có thể khiến người nước ngoài sợ hãi, nhưng tôi đã quen. Điều quan trọng là giữ bình tĩnh và tự tin, đồng thời nói rõ ý định của mình với tài xế xung quanh”, Mads nói, gợi ý mọi người nên quan sát, tìm những khoảng trống trên đường rồi di chuyển ổn định, chậm rãi. Anh nhận thấy các tài xế Việt Nam khá thành thạo trong việc “lách” người đi bộ.
Anh Mads Werner, 29 tuổi, quốc tịch Đan Mạch cho biết những ngày đâu sang Việt Nam anh “choáng ngợp” vì giao thông đông đúc, hỗn loạn (Ảnh: Mạnh Quân).
Theo Mads, thách thức lớn nhất đối với giao thông Việt Nam là tình trạng người dân chưa tuân thủ luật lệ giao thông. Điều này cho thấy cần chú trọng nhiều hơn đến giáo dục.
Mads dẫn chứng, tại Đan Mạch, để có được giấy phép lái xe, người dân cần trải qua quá trình đào tạo và sát hạch nghiêm ngặt, có thể mất từ 3-6 tháng để hoàn thành. Gần đây, quốc gia này đã đưa ra các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi lái xe liều lĩnh có thể gây hậu quả nghiêm trọng như tịch thu phương tiện nếu chạy quá tốc độ cho phép.
“Mỗi thành phố trên thế giới mà tôi ghé thăm đều đã lắp đặt camera bắn tốc độ trên phạm vi toàn thành phố. Ở một số thành phố khác, camera bắn tốc độ cũng được bố trí mọi góc phố. Điều đó đã cải thiện hành vi lái xe của người dân.
Tôi biết rằng cơ quan chức năng Việt Nam cũng đang đầu tư vào công nghệ này. Tôi đặc biệt khuyến nghị phương pháp này để cải thiện an toàn giao thông tại đây”, Mads nói.
Hà Nội là thành phố thích hợp với việc đi bộ
Anh Brandon Hurley (quốc tịch Mỹ) cho biết, thời gian đầu thực sự bất ngờ khi chứng kiến giao thông ở Việt Nam. “Tôi thấy các con đường ở Hà Nội khá nhỏ, đặc biệt là trong khu vực phố cổ, trong khi phương tiện tham gia giao thông quá nhiều”.
Anh Brandon Hurley nhận thấy, tại các thành phố lớn, người Việt luôn cố gắng tận dụng vỉa hè để buôn bán. Du khách có thể dễ dàng trò chuyện, mua bán hoặc thưởng thức ẩm thực. Xét ở một góc độ nào đó, điều này là một trải nghiệm thú vị với những người nước ngoài.
“Tuy nhiên, khi vỉa hè bị chiếm dụng thì du khách thường phải đi bộ dưới lòng đường, chung với xe cộ. Việc này khá nguy hiểm. Tôi đến TPHCM sinh sống và làm việc đã hơn 6 năm. Thời gian đầu, tôi cảm thấy khá căng thẳng, luôn phải quan sát khi tham gia giao thông. Một hai tuần sau, tôi mới có cảm giác an tâm khi lái xe trên đường”, anh nói.
Brandon Hurley từng trải nghiệm “đặc sản kẹt xe” ở tuyến Quốc lộ 1A hướng về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Cách đây ít lâu, anh tới Sa Đéc bằng xe máy. Google Maps thông báo anh sẽ chỉ mất chưa đầy 4 tiếng để di chuyển nhưng anh đã phải đi hơn 6 tiếng rưỡi vì kẹt xe.
Anh Brandon Hurley (quốc tịch Mỹ) chia sẻ trải nghiệm tham gia giao thông ở Việt Nam.
Ông Luc Beauvais (quốc tịch Canada) nhận xét giao thông ở Việt Nam đa dạng phương tiện, như: ô tô, xe máy và xe đạp. Dù vậy, ông không gặp khó khăn mỗi lần qua đường. Trong khi đó, ông Benoit Teasdale, được những người bạn “có kinh nghiệm” hướng dẫn cách qua đường an toàn.
“Lần đầu một mình sang đường, tôi khá lo lắng. Nhờ những người dân xung quanh nghiêm chỉnh tuân thủ luật nên tôi đã vượt qua an toàn”, ông Benoit kể. Những lần sau, ông tự tin một mình băng qua đường với phương châm “bình tĩnh, không ngập ngừng hay sợ hãi”.
Còn ông Gilles Guimond (Quốc tịch Canada) cũng tìm cách thích nghi với tình hình giao thông phức tạp tại Việt Nam. “Đôi khi người đi bộ bị chiếm mất vỉa hè, tôi buộc đi xuống lòng đường nhưng thấy không quá nguy hiểm”, ông Gilles chia sẻ.
Theo thứ tự từ trái quá phải: Gilles Guimond, Luc Beauvais và Benoit Teasdale, 3 du khách Canada (Ảnh: Hồng Anh).
Anh Kaneya Manabu (quốc tịch Nhật Bản) dù đã ở Hà Nội 7 năm nhưng chưa một lần dám điều khiển ô tô ra đường vì thấy giao thông Việt Nam quá đông đúc. Đặc biệt vào những giờ tan tầm, cao điểm hay những hôm mưa gió, nhiều đoạn đường thường rơi vào cảnh hỗn loạn, mạnh ai nấy đi, còi xe inh ỏi.
Hàng ngày, anh chỉ dám đi làm bằng xe máy với tốc độ an toàn. “Mỗi khi đi trên đường, tôi thường rất sợ cảnh người ta vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu hoặc không nhường đường cho người đi bộ. Tôi cũng ám ảnh với cảnh các bà mẹ thường chở con mà không có dây đai an toàn hoặc mũ bảo hiểm”, anh Manabu nói.
Anh Kaneya Manabu (quốc tịch Nhật Bản) đã sống tại Hà Nội 7 năm (Ảnh: Minh Hoàng).
Anh Brandon Hurley có cơ hội đi đến nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Anh cũng đã tới Hà Nội 5 lần. Người đàn ông Mỹ nhận thấy, so với các thành phố ở Việt Nam mà anh đi qua, Hà Nội là thành phố rất thích hợp với việc đi bộ. Du khách có cơ hội tận hưởng nhiều cảnh đẹp, tham quan các di tích gắn liền với lịch sử, thưởng thức món ăn ngon. Nếu có phần đường an toàn dành cho người đi bộ ngắm cảnh thì đó là điều rất tuyệt vời.
Cũng theo anh Brandon Hurley, những người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam lâu như anh sẽ dần quen với giao thông của Việt Nam. Tuy nhiên, bạn bè của anh lần đầu tới du lịch thường thấy rất bất ngờ. Họ cũng cảm thấy lo sợ khi sang đường hoặc gặp cảnh kẹt xe.
Anh Manabu hay Brandon Hurley cùng nhiều du khách quốc tế khác đều có những ấn tượng sâu sắc với giao thông Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Họ mong muốn, những bất cập về giao thông sẽ được cải thiện theo chiều hướng tích cực để người nước ngoài đến tham quan, làm việc thuận tiện và an toàn hơn.
PV