Khi cấp sổ đỏ lần đầu có bắt buộc phải ký giáp ranh?

Thông thường, khi cấp sổ đỏ lần đầu, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu ký giáp ranh để chứng nhận đất không tranh chấp. Vậy theo quy định mới nhất, việc ký giáp ranh có phải thủ tục bắt buộc ?

Theo quy định hiện hành, điều kiện để thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cấp Sổ đỏ… hợp pháp, phát sinh hiệu lực đều không có quy định bắt buộc phải ký giáp ranh. Song trên thực tế, việc ký giáp ranh được áp dụng với trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Sổ đỏ lần đầu.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp cũng cần ký giáp ranh như: Cấp lại/cấp đổi Sổ đỏ mà cần phải đo đạc lại diện tích của thửa đất; Ký xác nhận ranh giới sau khi giải quyết các tranh chấp đất đai; Đo đạc, cập nhật lại bản đồ, hồ sơ địa chính; Thực hiện kiểm kê đất trong chu kỳ; Yêu cầu bổ sung hồ sơ giải quyết tranh chấp đất giữa 2 nhà liền kề.

Ký giáp ranh có ý nghĩa chứng minh việc đất không có tranh chấp giữa người xin cấp sổ đỏ và người sử dụng thửa đất liền kề. Theo đó, các bên sẽ thực hiện việc ký xác nhận ranh giới – mốc giới cùng các ý kiến của mình đối với ranh giới đất liền kề. Tuy vậy, trong trường hợp hàng xóm không chịu ký giáp ranh thì hộ gia đình có nhu cầu vẫn được xem xét cấp Sổ đỏ.

Như vậy, khi thực hiện cấp sổ đỏ, việc ký giáp ranh không phải là thủ tục bắt buộc. Hiện có 5 trường hợp sau không buộc phải ký giáp ranh, gồm:

1.Người thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ có các loại giấy tờ khác được xác lập trước 15/10/1993 theo quy định; Các giấy tờ theo Điều 100 Luật Đất đai 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, đó là:

Giấy tờ về quyền sử dụng đất được cấp trước ngày 15/10/1993 trong thời kỳ thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa; Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam…

Theo đó, trường hợp hộ gia đình hoặc các cá nhân đang sử dụng đất ổn định, không tranh chấp và có các giấy tờ nêu trên thì được cấp Sổ đỏ mà không phải nộp thêm giấy tờ nào. Vì vậy, trường hợp cấp Sổ đỏ lần đầu này không bắt buộc phải ký giáp ranh.

2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân liền kề vắng mặt trong thời gian đo đạc

Theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, trường hợp người sử dụng đất liền kề vắng mặt trong thời gian đo đạc thì ranh giới sẽ được xác định theo bản mô tả được các bên liên quan còn lại và người đo đạc xác nhận.

Sau khi đo đạc, đơn vị đo đạc sẽ thực hiện chuyển bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất đã lập cho Ủy ban nhân dân (UBND) xã nhằm xác nhận vắng mặt và thông báo trên loa truyền thanh cấp xã, đồng thời thực hiện niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã để người sử dụng đất liền kề xác nhận.

3. Thửa đất có giấy tờ/văn bản thỏa thuận, xác định ranh giới, mốc giới sử dụng đất có bản vẽ thể hiện rõ được ranh giới đất mà ranh giới hiện trạng không có gì thay đổi so với bản vẽ trên giấy tờ đó.

4. Thửa đất đã có giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất, trong đó cũng thể hiện rõ đường ranh giới chung của thửa đất với các thửa đất của các hộ liền kề. Đồng thời, hiện trạng ranh giới thửa đất không có nhiều thay đổi so với trên giấy tờ hiện có.

5. Đất sản xuất nông, lâm nghiệp, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản đã có bờ thửa, cọc mốc cố định, rõ ràng.