Một số người chi tiền triệu tự mua pin quang điện để lắp điện mặt trời, nhưng gặp phải hàng kém chất lượng.
Khu chung cư của anh Hoàng Long ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội gần đây đối mặt với tình trạng mất điện đột xuất. Do hai con nhỏ đang nghỉ hè ở nhà, anh tìm đến giải pháp điện mặt trời, chủ yếu cho mục đích chiếu sáng và để sử dụng một số thiết bị đơn giản như sạc điện thoại, quạt điện, TV.
Anh Long dự tính lắp điện mặt trời với công suất 1 kWp. Tham khảo qua dịch vụ, giá niêm yết cho hệ thống 1-3 kWp đều trên 30 triệu đồng, nên anh chuyển sang phương án tự lắp để giảm chi phí. “Tôi chọn thiết bị trên một trang thương mại điện tử, được giới thiệu là ‘loại tốt’ và chỉ bằng hai phần ba hoặc bằng nửa giá so với đơn vị thi công chào bán”, anh nói.
Một số tấm pin và đèn điện mặt trời bán tại vỉa hè một khu chợ ở quận 10, TP HCM. Ảnh: Bảo Lâm
Anh Long mua 10 tấm pin quang điện loại 100 Wp với giá 4,5 triệu đồng cùng biến tần, dây điện, tủ đựng và pin lưu trữ. Tổng chi phí 14 triệu đồng, thấp hơn một nửa so với giá thị trường.
“Ngay khi nhận hàng, một số thành phần như pin mặt trời và biến tần có cảm giác không còn mới. Phản hồi với người bán, tôi chỉ nhận được vài lời giải thích qua loa”, anh nói.
Nhưng đó mới chỉ là “cục tức” đầu tiên theo lời anh Long. Trong quá trình lắp đặt, anh phát hiện hai tấm pin bị hỏng. Loại anh mua cũng chỉ tạo điện áp thấp, không phù hợp điện dân dụng. Anh tiếp tục chat với người bán, nhưng không nhận được câu trả lời.
Lúc này, anh Long liên hệ với công ty chuyên lắp đặt để mua ba tấm pin quang điện loại 500 Wp với giá 3,5 triệu đồng mỗi tấm. Nhà cung cấp này khuyên anh đổi trả hoặc vứt bỏ tấm pin cũ để tránh nguy cơ mất an toàn, chỉ giữ lại thiết bị biến tần, dây dẫn.
Mạnh Phương, ở quận Bình Thạnh, TP HCM, cũng tính bỏ ra 20 triệu đồng để mua và tự lắp thiết bị điện mặt trời. Hóa đơn tiền điện cao nên anh định sử dụng điện mặt trời ban ngày, công suất dự kiến 3 kWp, còn ban đêm vẫn dùng điện lưới. Do đó, anh chỉ mua các tấm pin và biến tần, không mua pin ắc-quy lưu trữ. Giống anh Long, anh Phương cũng đặt mua trên một kênh thương mại điện tử với giá rẻ.
Dù vậy, sau khi nhận pin với hóa đơn 15 triệu đồng, anh tỏ ra thất vọng. “Cảm giác chúng đã được tân trang chứ không phải pin mới. Nhiều tấm xước, móp, một số hơi nứt. Bề mặt cũng không sáng bóng, phần cạnh còn có dính cả bùn đất”, anh Phương nói. “Tôi đã liên hệ trả hàng, nhưng không biết khi nào mới nhận lại tiền”.
Hệ thống năng lượng mặt trời của một gia đình ở Hoài Nhơn (Bình Định). Ảnh: Nguyễn Hiệp
Hoàng Đăng, quản trị viên một nhóm Facebook về điện năng lượng mặt trời với 40.000 thành viên, cho biết chủ đề về kinh nghiệm tự lắp điện mặt trời tăng 50% trong bốn tháng qua. Trong khảo sát của VnExpress từ ngày 26/5, có 40% trong số hơn 4.100 độc giả nói đang lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời.
“Tuy nhiên, không ít chủ đề nhắc đến việc mua nhầm, mua pin kém chất lượng, không thể sử dụng từ các trang thương mại điện tử hoặc qua mạng xã hội”, anh Đăng cho biết. Ngay trên các gian hàng thương mại điện tử, nhiều người cũng phản ánh tấm pin họ mua không như mong đợi. Phổ biến nhất là tình trạng hàng cũ, pin sản sinh điện kém, không đúng công suất như quảng cáo hoặc nhanh hỏng.
Ông Nguyễn Hiệp, Giám đốc công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Miền Trung, cho biết trong giai đoạn nắng nóng và tình trạng cắt điện hiện nay, nhu cầu sử dụng điện mặt trời của người dùng tăng cao so với những năm trước, đặc biệt là trong vùng công suất 1-10 kWp. Tuy nhiên, việc tự mua và lắp khi chưa am hiểu theo ông là không nên, đặc biệt là vấn đề về pin.
Theo ông Hiệp, giá trung bình cho 1 Wp pin năng lượng mặt trời hiện khoảng 7.000 đồng. Do đó, giá cho mỗi kWp (1.000 Wp) là 7 triệu đồng chỉ tính riêng pin. “Những tấm pin vài trăm nghìn đồng thường có công suất thấp hoặc không đúng thực tế. Chúng có thể là từ nhà máy sản xuất điện mặt trời thải loại, gặp lỗi khi vận hành (nứt vỡ, hỏng cell pin, tụt công suất, thiên tai mưa bão), sau đó bị thay thế, tân trang và thanh lý ra thị trường”, ông Hiệp nói. “Hầu hết chỉ chỉ còn 50-70% so với công suất thiết kế ban đầu”.
Những tấm pin trên vẫn có thể phát điện, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về chập cháy, rò rỉ gây mất an toàn. “Thường dòng pin thanh lý này hoàn toàn không còn được nhà cung cấp bảo hành, nên rủi ro sau 2-3 năm sử dụng là điều dễ xảy ra”, ông Hiệp cho hay.
Theo ông Lê Nho Thông, Phó Giám đốc kinh doanh Công nghệ năng lượng số của Huawei Việt Nam, nếu không thực sự am hiểu, người dùng nên chọn đơn vị thi công điện mặt trời, hoặc chỉ thực hiện với tấm pin công suất nhỏ, giá thấp để tránh “tiền mất tật mang”. “Việc chọn thiết bị hoặc đơn vị thi công uy tín giúp hệ thống vận hành lâu dài, đồng thời được hỗ trợ trong trường hợp gặp sự cố”, ông Thông nói.
Nguồn: https://vnexpress.net/mat-hang-trieu-dong-vi-mua-pin-tu-lap-dien-mat-troi-4617915.html