Chứng kiến những mảnh đời nghèo khó của các nghệ sĩ khiến công chúng không cầm được nước mắt.
Nhắc đến nghệ sĩ trong showbiz, hẳn ai cũng sẽ nghĩ tới sự giàu sang, hào nhoáng. Tuy nhiên, bên cạnh ánh sáng lấp lánh đó, có những góc khuất, những mảnh đời cơ cực, khổ hơn cả trên phim của nhiều diễn viên nổi tiếng từ thế hệ trước. Đối mặt với hoàn cảnh khó khăn, lo từng chi phí sinh hoạt, nhưng những người nghệ sĩ ấy vẫn một lòng đam mê, theo đuổi, cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Họ vang danh một thời, nhưng lại được mệnh danh là những nghệ sĩ nghèo nhất Việt Nam.
Cùng là kiếp nghệ sĩ, nhưng sự chênh lệch giàu nghèo thật lớn giữa các thế hệ nghệ sĩ, bên cạnh một bộ phận sống trong giàu sang, nhung lụa, thì thế hệ của những nghệ sĩ già có cuộc sống khó khăn. Những nghệ sĩ chân chính, hết lòng phục vụ nghệ thuật, sau ánh đèn sân khấu mang niềm vui, giải trí cho khán giả, có thể là những cuộc đời cơ cực, khó khăn vì cuộc sống mưu sinh.
NSND Trần Hạnh (1926 – 2021)
Với lối diễn chân chất, mộc mạc, thể hiện được chọn cái vẻ khổ hạnh, đáng thương của người nông dân nghèo, NSND Trần Hạnh đã đi vào lòng khán giả và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.
Là một người tài năng linh hoạt, khả năng nắm bắt nhân vật nhanh, bởi vậy ông đã giành được nhiều giải vàng, bạc ở các liên hoan sân khấu toàn quốc. Đồng thời, nghệ sĩ này cũng là một trong những người đầu tiên được nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Ông được nhận danh hiệu NSND năm 2019 khi đã bước vào tuổi 90.
NSND Trần Hạnh trong phim Bão qua làng (2014).
Như NSND Trần Hạnh nói, đời ông còn khổ hơn trên phim. Gánh nặng của cuộc sống dồn lên người ông như cái khổ của các nhân vật vận vào cuộc đời nghệ sĩ. Sau gần chục năm chăm sóc người vợ bị liệt nửa người, năm 2011, vợ ông mất, ông tiếp tục phải gà trống trăm cậu con út 47 tuổi bị ngớ ngẩn do mắc tai nạn, trong một ngôi nhà hoàn toàn thiếu thốn gần ga Hà Nội.
Hơn 50 năm cống hiến cho nghệ thuật, là một diễn viên gạo cội xuất sắc, nhưng cuộc sống của ông khốn khổ đến mức đau lòng. Ở cái tuổi ngoài 80, người ta ở nhà hưởng phúc, nhưng NSND Trần Hạnh vẫn phải đi làm, chăm con và cơ hàn cho đến tận lúc cuối đời.
NSND Trần Hạnh cơ hàn cho đến tận lúc cuối đời.
Nghệ sĩ Tuấn Dương (1952 – 2013)
Nghệ sĩ Tuấn Dương là một diễn viên kịch nói, nhưng ông lại được biết đến là một nghệ sĩ hài có tiếng. Đam mê với diễn xuất đến nỗi khi nằm trên giường bệnh, ông vẫn nhận lời diễn khiến cho mọi người không khỏi xót xa. Cống hiến hết mình cho nghệ thuật mà không quan tâm tới việc lập gia đình, nên mãi tới tận năm 2009, ông mới lập gia đình và vợ chồng ông không có con.
Nghệ sĩ Tuấn Dương.
Là một diễn viên có tiếng, nhưng đồng lương ít ỏi nên cuộc sống của ông khá vất vả. Cả gia đình sống trong căn nhà cũ nát tại khu tập thể Trường Đại học Thương Mại. Căn nhà với một ít vật dụng cũ kỹ, khiến cho người xem không khỏi xót xa cho số phận của người nghệ sĩ.
Nghệ sĩ Hán Văn Tình (1957 – 2016)
Cái tên Chu Văn Quềnh có lẽ không còn xa lạ với khán giả, đây là một trong những vai diễn đề đời của nghệ sĩ Hán Văn Tình đến mức nó trở thành tên gọi khi khán giả nghĩ về ông.
Chu Văn Quềnh – vai diễn gắn liền với tên tuổi của nghệ sĩ Hán Văn Tình.
Là một nghệ sĩ cống hiến cả đời cho nghệ thuật, nhưng đến lúc mất cũng do không có tiền để chữa bệnh. Để tổ chức tăng lễ được trọn vẹn, gia đình nghệ sĩ phải đi vay mượn vì sau khi chạy chữa, toàn bộ tài sản có giá trị trong nhà đã không còn một cái gì cả.
Niềm lạc quan của nghệ sĩ Hán Văn Tình trong những năm cuối đời, khi phải nằm trên giường bệnh.
Nghệ sĩ Văn Hiệp (1942 -2013)
Nghệ sĩ Văn Hiệp như được đo ni đóng giày với những vai diễn người nông dân hiền lành, chất phác, pha chút hóm hỉnh, yêu đời. Sau hơn 40 năm cống hiến cho nghệ thuật, cố nghệ sĩ Văn Hiệp trở thành gương mặt thân quen với bao thế hệ khán giả. Dù đóng nhiều phim, nổi tiếng ở nhiều vai diễn, nhưng với thủ lao quá ít ỏi, khiến ông bao năm vẫn chỉ sống trong căn nhà khoảng 8m2 và chết trong bệnh tật vì không có tiền để chữa trị.
“Trưởng thôn” Văn Hiệp.
Luôn mang lại tiếng cười cho mọi người, nhưng dường như ông đã trao đi hết tiếng cười mà không để dành cho cuộc đời mình. Cuộc đời ông vất vả, như chính nét mặt khắc khổ của ông vậy.
Hơn 20 năm cuối đời, vợ ông đi xuất khẩu lao động ở Đức, chưa một lần trở về, ông vẫn hết lòng chờ đợi, một mình nuôi con trong căn nhà 8m2 ấy mà không hề oán trách. Cuộc đời người nghệ sĩ hết lòng cống hiến cho nghệ thuật, góp vui cho đời, nhưng lại một mình giấu nỗi buồn, giấu cực khổ và bệnh tật cho riêng mình.
Nghệ sĩ Văn Hiệp ra đi để lại sự bất ngờ cùng bao niềm thương xót cho mọi người, cho những khán giả yêu mến ông trưởng thôn Văn Hiệp năm nào.
NSƯT Hồ Kiểng (1926 – 2013)
Là một nghệ sĩ ưu tú cống hiến cả đời cho nghiệp diễn, góp mặt trong hơn 200 bộ phim, tham gia 304 vở kịch, 22 tuồng cải lương, 16 vở múa rối, vẽ 6 phim hoạt hình, sáng tác 240 bài vọng cổ, tiểu phẩm, hài; làm 664 bài thơ, 2 bản thảo thơ diễn tả tâm trạng của các nhân vật đã đóng, viết bài vè về 100 loại bánh, 100 loài hoa, 100 con đường…. Nhưng cả đời NSƯT Hồ Kiểng phải sống trong một ngôi nhà cũ, từng là nơi chứa máy phát điện.
NSƯT Hồ Kiểng phải sống trong một ngôi nhà cũ, từng là nơi chứa máy phát điện.
Sống trong nghèo khó, cô đơn nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi của NSƯT Hồ Kiểng. Với danh hiệu nghệ sĩ ưu tú và từng ấy cống hiến cho nghệ thuật, nhưng khi về hưu và cho đến tận lúc cuối đời, ông vẫn sống trong căn nhà tồi tàn đến mức đau lòng ấy, cùng đồng lương hưu là 1 triệu đồng mỗi tháng.