Sổ đỏ, Sổ hồng là cách gọi của người dân dựa theo màu bìa sổ. Do không hiểu rõ thế nào là Sổ đỏ, Sổ hồng nên trong một số giao dịch người dân có sự do dự, phân vân. Để có câu trả lời nên mua nhà có Sổ đỏ hay Sổ hồng hãy xem bài viết sau.
Có thể thấy việc mua nhà có Sổ đỏ hay Sổ hồng không quan trọng, cốt lõi là những loại sổ này phải là sổ thật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định pháp luật.
Để trả lời cho vướng mắc người dân nên mua nhà có Sổ đỏ hay Sổ hồng cần phải hiểu rõ thế nào là Sổ đỏ, Sổ hồng và giá trị pháp lý cũng như giá trị thực tế của hai loại sổ này, cụ thể:
Cần hiểu đúng về Sổ đỏ, Sổ hồng
Khoản 3 Điều 256 Luật Đất đai 2024 quy định:
3. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị pháp lý và không phải cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; trường hợp có nhu cầu thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật này.
Khoản 2 Điều 97 Luật Đất đai 2013 quy định những loại Giấy chứng nhận được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật nhà ở, pháp luật xây dựng trước ngày 01/8/2024 vẫn có giá trị pháp lý, bao gồm:
(1) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa màu đỏ).
(2) Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;
(3) Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (bìa màu hồng – gọi là mẫu Sổ hồng cũ).
(4) Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.
(5) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
Để tránh gây khó khăn cho người dân và thống nhất trong quản lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định từ 01/01/2025, mẫu Giấy chứng nhận mới sẽ được ban hành với tên gọi “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”.
Theo đó, ở Giấy chứng nhận mới đã bỏ mã vạch, thay thế bằng mã QR trên trang 1 Giấy chứng nhận.
Thay đổi này nhằm tránh tình trạng làm giả và giúp các cơ quan có thẩm quyền dễ dàng quản lý thông tin về Giấy chứng nhận, mẫu Giấy chứng nhận mới đã chính thức bỏ mã vạch, thay vào đó là mã QR được in tại góc phải của Giấy chứng nhận.
Mã QR chứa các nội dung sau:
– Thông tin của tất cả những người có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất với trường hợp Giấy chứng nhận chung nhiều chủ sở hữu.
Trường hợp không thể ghi hết các thông tin của tất cả những người chung quyền sử dụng đất trên Giấy chứng nhận thì chỉ ghi thông tin của 01 hoặc một số thành viên chung quyền sử dụng.
Thông tin người sử dụng đất còn lại được tích hợp lên mã QR và ghi “và các thành viên khác có chung quyền sử dụng đất của hộ được thể hiện tại mà QR”
– Thông tin thửa đất và bản đồ, diện tích thửa đất.
– Thông tin về loại đất, thời hạn và hình thức sử dụng đất
– Thông tin địa chỉ của thửa đất
– Nguồn gốc sử dụng đất
– Thông tin về tài sản gắn liền với đất
Theo điểm b khoản 6 Điều 34 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT, thông tin về tài sản được thể hiện trong mã QR theo bảng như sau:
Hạng mục công trình/Tên tài sản | Diện tích xây dựng (m2) | Diện tích sử dụng (m2) hoặc công suất | Hình thức sở hữu | Cấp công trình | Thời hạn sở hữu |
Trường hợp tài sản là căn hộ thì thể hiện theo bảng sau:
Tên tài sản | Diện tích sàn xây dựng (m2) | Diện tích sử dụng (m2) | Hình thức sở hữu | Thời hạn sở hữu |
Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2024 còn quy định các loại Giấy chứng nhận được cấp trước ngày 01/08/2024 (mẫu Sổ đỏ, Sổ hồng cũ) không phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp có nhu cầu cấp đổi thì được cấp đổi.
Tóm lại, Sổ đỏ, Sổ hồng chỉ là cách gọi của người dân dựa theo màu sắc của bìa sổ. Tên gọi pháp lý của Sổ đỏ là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, tên gọi pháp lý của Sổ hồng là “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở” (Sổ hồng cũ), “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” (mẫu Sổ hồng áp dụng từ ngày 10/12/2009 đến hết 31/12/2024; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (mẫu mới chính thức áp dụng từ 01/01/2025 ).
So sánh giá trị Sổ đỏ, Sổ hồng
(1) Giá trị pháp lý
Sổ đỏ, Sổ hồng là chứng thư pháp lý để Nhà nước chứng nhận quyền sử dụng sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Dù sổ có bìa màu đỏ, màu hồng nhưng đều có giá trị pháp lý, không phân biệt giữa các loại sổ. Nói cách khác, không phải Sổ đỏ có giá trị pháp lý cao hơn Sổ hồng và ngược lại.
(2) Giá trị thực tế
Giá trị thực tế của Sổ đỏ và Sổ hồng phụ thuộc vào giá trị của thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như: Vị trí thửa đất (mặt tiền hay trong ngõ, ngách,…), diện tích nhỏ hay rộng, nhà mới hay cũ và số lượng tài sản khác gắn liền với đất.