Tỷ lệ người Mỹ chấp nhận và phản đối để đất nước lần đầu tiên vỡ nợ là ngang nhau, theo khảo sát của WSJ.
Cuộc khảo sát của Wall Street Journal vừa cho biết 45% số người Mỹ được hỏi không ủng hộ việc quốc hội nâng trần nợ. “Tôi muốn họ ngừng in tiền”, John Houck, 63 tuổi, sống gần Phoenix nói. Dù vậy, ông cũng không muốn Mỹ vỡ nợ.
Tính theo xu hướng chính trị, các đảng viên Cộng hòa có xu hướng hoài nghi hơn, với ba phần tư cử tri Cộng hòa phản đối nâng trần nợ công. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ nói chung của người dân là 44% và đảng viên Dân chủ là 74%.
Donna Good, một đảng viên Dân chủ 70 tuổi sống tại Colorado, cho rằng đất nước phải tránh vỡ nợ. Nếu xảy ra, bà sẽ đổ lỗi cho cánh cực hữu của đảng Cộng hòa, cũng như Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy vì đã không dập được các phản dối.
Bối cảnh cũng tương tự trên chính trường. Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đang yêu cầu cắt giảm chi tiêu để đổi lấy việc họ đồng ý cho tăng trần nợ công. Nhưng ông Biden muốn Hạ viện chấp thuận mà không kèm theo điều kiện nào. Hôm 9/5, các nhà lãnh đạo quốc hội thuộc hai đảng đã tập trung tại Phòng Bầu dục với Tổng thống Joe Biden cho giai đoạn đàm phán đầu tiên. Nhưng đó chỉ là khởi đầu cho chặng đường dài.
Cũng trong tuần này, ông Biden khởi động một nỗ lực mới để kêu gọi sự ủng hộ của các nhà lập pháp đảng Cộng hòa ở các địa phương có nhiều cử tri Dân chủ. Hôm 10/5, ông đã gửi thông điệp tới Thung lũng Hudson của New York, một trong 18 khu vực bầu cử do đảng Cộng hòa kiểm soát.
“Trần nợ công đang khiến nền kinh tế trở thành con tin bằng cách đe dọa vỡ nợ quốc gia theo nghĩa đen chứ không phải nghĩa bóng”, ông Biden nói
Thời gian qua, việc Mỹ không thể vỡ nợ trái phiếu chính phủ được coi là điều cơ bản của hệ thống tài chính toàn cầu. Quốc gia này phát hành đồng tiền dự trữ của thế giới, vì vậy các nhà đầu tư luôn sẵn sàng cho quốc gia này vay.
Tuy nhiên, một lần nữa Washington đang nhắc nhở thế giới rằng, thông qua một biện pháp cứng mang tính chính trị gọi là trần nợ công – tổng khoản vay được phép của chính phủ, vỡ nợ thực sự có thể xảy ra, theo Economist.
Thỉnh thoảng, như năm 2011, 2013 và hiện tại, Mỹ lại đối diện với trần nợ công mà quốc hội phải đồng ý hoặc bỏ trần nợ để không tạo ra tình huống vỡ nợ. Lần này, Mỹ đạt đến giới hạn vay tối đa 31.400 tỷ USD vào giữa tháng 1, khiến Bộ Tài chính phải sử dụng các biện pháp tạm thời để trả các khoản nợ đến hạn.
Theo Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, các phương án này sẽ hết sau ngày 1/6. Các chuyên gia cho rằng nếu không nâng trần nợ công, dẫn đến đất nước vỡ nợ thì có thể đẩy kinh tế vào suy thoái. Moody’s Analytics dự đoán vỡ nợ sẽ làm mất hơn 7 triệu việc làm và khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên trên 8%. Công ty xếp hạng tín nhiệm này cũng dự đoán vốn hóa thị trường chứng khoán bốc hơi 20%.
Các nhà phân tích tại công ty quản lý tài sản Pimco lưu ý trong hơn chục năm qua, chỉ số S&P 500 đã giảm trung bình 6,5% trong tháng trước thời hạn chạm trần nợ. Vào năm 2013, trong một lần bế tắc về trần nợ công, các quan chức của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tính toán rằng nếu đất nước vỡ nợ trong một tháng sẽ khiến USD giảm 10% và cổ phiểu giảm 30%.
Những tác động dự báo là không nhỏ nếu chấp nhận vỡ nợ, nhưng không phải người Mỹ nào cũng đồng ý việc nâng trần nợ công. Họ cũng bày tỏ ít nhiều hoài nghi về mức độ nghiêm trọng nếu đất nước vỡ nợ.
Howard Brady, 56 tuổi, nhà tư vấn tài chính vi mô tại Seattle, nghĩ rằng xếp hạng tín nhiệm quốc gia sẽ giảm nhưng chỉ là tạm thời. Trong khi đó, ông cho rằng Nhà Trắng có thể thực hiện các biện pháp bổ sung để tránh vỡ nợ sau ngày 1/6, bao gồm cả việc cho nhân viên liên bang tạm nghỉ việc.
Christian Nascimento, 49 tuổi, đảng viên Cộng hòa và là một CEO tại Philadelphia nói rằng ông cảm thấy Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc nâng trần nợ. Nhưng đồng thời, ông nghĩ cũng không thể máy móc giải quyết theo kiểu nợ chạm trần thì nâng trần lên. “Chúng ta phải thảo luận về chi tiêu của chính phủ và chúng ta có thể duy trì bao nhiêu”, ông nói thêm.
Một số người thì lạc quan hơn. Lidia Cosme, cư dân Chicago ở độ tuổi 60, nói nền kinh tế đi xuống rồi sẽ cải thiện. Vì vậy, có rất ít tính khẩn cấp để tổng thống đồng ý cắt giảm sâu ngân sách. “Chúng ta là một quốc gia mạnh”, bà nói.
Economist cho rằng, dù có những bất đồng giữa các chính trị gia, hai đảng gần như chắc chắn sẽ tìm ra cách để tránh thảm họa cho đất nước. Trong thời gian chờ đợi, các nhà đầu tư có thể phải chấp nhận trải qua giai đoạn bất an. Kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics cho biết có một số dấu hiệu lo ngại mới nổi trên thị trường tài chính, nhưng phần lớn các nhà đầu tư “dường như không hề nao núng” trước thời hạn 1/6.
Thông thường, khó có thể đi đến một quyết định trong một sớm một chiều với đặc điểm của nền chính trị Mỹ. Cũng không loại trừ khả năng thị trường cần trải qua một cuộc hoảng loạn để đạt được một thỏa thuận nào đó.
“Thị trường tài chính phản ứng càng lâu thì khả năng các nhà lập pháp không hành động kịp thời càng cao, vì sự hỗn loạn của thị trường có lẽ là điều cần thiết để tạo ra ý chí chính trị mà các nhà lập pháp cần phải chấp nhận”, ông Zandi bình luận.
Vỡ nợ vẫn là kết quả ít có khả năng xảy ra nhất. Nhưng khi các nhà đầu tư nhận thức sâu sắc, điều đó không còn là viển vông, theo Economist.
Phiên An (theo WSJ, The Economist, CNN)