Nhai kẹo cao su có thể dương tính giả với nồng độ cồn, tài xế cần làm gì?

Sử dụng một số loại thuốc, nhai kẹo cao su có thể cho kết quả dương tính khi kiểm tra nồng độ cồn, tuy nhiên người dân không nên quá lo lắng vì vấn đề này, theo chuyên gia.

 

Mới đây, đoạn clip xuất hiện trên mạng xã hội liên quan đến việc nhai kẹo cao su thổi có lên nồng độ cồn đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Theo đó, người đàn ông trong video chia sẻ rằng mình không uống rượu bia, thổi thử vào máy đo nồng độ cồn (loại cá nhân, tự mua), kết quả bằng 0.

Người này sau đó nhai kẹo cao su (hiệu Xylitol) rồi tiến hành đo lại. Lúc này máy hiển thị đỏ kèm con số trên mức 0, thể hiện rằng người thổi có nồng độ cồn.

Nhai kẹo cao su có thể dương tính giả với nồng độ cồn, tài xế cần làm gì? - 1
Người đàn ông đo nồng độ cồn bằng thiết bị cá nhân trước và sau khi ăn kẹo cao su (Ảnh từ clip).

Nhận định về vấn đề này, ông Vũ Hoàng, một chuyên gia trong lĩnh vực hóa học, cho rằng ngay cả khi loại trừ trường hợp sai số vì thiết bị sử dụng trong video là loại máy cá nhân, thì việc nhai kẹo cao su sau đó dương tính với nồng độ cồn như trên là điều không khó hiểu.

Theo ông Hoàng, kẹo cao su này có thành phần chính là xylitol (khoảng 39%). Trong khi đó, xylitol được xếp vào loại đường rượu (sugar alcohol), kết hợp đặc điểm của phân tử đường và phân tử rượu. Điều này giải thích vì sao sau khi nhai kẹo cao su xylitol như trên, máy có thể báo dương tính với cồn.

“Không riêng kẹo cao su mà một số loại thực phẩm, thuốc, nước tăng lực, chocolate… cũng có thể gây dương tính giả khi kiểm tra nồng độ cồn”, chuyên gia này cho biết thêm.

Người dân không nên lo lắng bị xử phạt vì dương tính giả với nồng độ cồn

Theo video được chia sẻ trên mạng xã hội, thiết bị sử dụng để đo là máy nồng độ cồn cá nhân, giá khoảng 1 triệu đồng. Sản phẩm này sử dụng cảm biến bán dẫn, kết quả cho ra có độ chính xác không cao, chưa có thông tin kiểm định rõ ràng từ cơ quan chức năng.

Nhai kẹo cao su có thể dương tính giả với nồng độ cồn, tài xế cần làm gì? - 2
Cho rằng mình bị oan vì không uống rượu bia mà thổi vẫn lên nồng độ cồn, tài xế có thể súc miệng với nước lọc, nghỉ ngơi và đo lại sau 15-30 phút (Ảnh: Đỗ Quân).

Trong khi đó, lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông tại Việt Nam thường được trang bị máy đo nồng độ cồn chuyên dụng (chẳng hạn dòng Andatech của Australia). Thiết bị này sử dụng cảm biến full cell cho độ chính xác cao. Đó là chưa kể những máy này đều phải qua kiểm định và được cân chỉnh, kiểm định lại sau thời gian nhất định.

Bên cạnh đó, không như với rượu bia, hàm lượng cồn (ethanol) do các loại đồ uống và thực phẩm khác tạo nên trong cơ thể rất thấp và dễ bay hơi, nên sẽ biến mất hoàn toàn chỉ sau một thời gian ngắn (15-30 phút).

Với trường hợp nồng độ cồn trong khí thở rất thấp và tài xế chắc chắn rằng bản thân không sử dụng rượu bia trong vòng 24 giờ thì có thể nghi ngờ máy đo không chính xác và yêu cầu được kiểm tra lại.

Việc kiểm tra lại nồng độ cồn nên được thực hiện sau khoảng 15-30 phút để đảm bảo hàm lượng ethanol trong khí thở do các loại thực phẩm và đồ uống không phải bia rượu bay hơi hết.

Sau những lần đo lại mà vẫn cho rằng kết quả là không đúng thì tài xế cũng có thể yêu cầu được kiểm tra bằng phương pháp xét nghiệm máu. Việc này cần thực hiện theo đúng quy trình của lực lượng chức năng, bởi nếu tự ý đi xét nghiệm thì kết quả có thể không được công nhận.