Home Giải trí Nữ NSND mang quân hàm Đại tá tặng học sinh nghèo xe...

Nữ NSND mang quân hàm Đại tá tặng học sinh nghèo xe máy, được trả ơn bằng ô tô

NSND Hà Thủy kể: “Tôi trêu Quỳnh là năm tôi cho em ấy xe máy là lúc tôi giàu, bây giờ tôi nghèo rồi. Quỳnh nói luôn sẽ mua ô tô cho tôi mà không cần suy nghĩ”.

Học trò của tôi có 4 NSND, 10 NSƯT

– Là nghệ sĩ duy nhất được học trò tổ chức liveshow riêng, cô là người hạnh phúc khi được học trò tri ân theo cách đặc biệt như vậy?

Từ sau 20/11 năm ngoái, các học sinh cũ của tôi đã gợi ý điều này rất nhiều lần. Tôi có nhiều học sinh là ngôi sao nhưng công việc của chúng tôi cũng bận rộn nên không biết sắp xếp như thế nào cho hợp lý. Thời điểm liveshow vừa qua diễn ra có lẽ cũng là cái duyên khi mọi thứ thích hợp. Tôi rất xúc động nhưng không bất ngờ vì đã có sự hứa hẹn với học trò trước đó.

Tôi chỉ nghĩ, không có gì khi hạnh phúc hơn khi một người thầy có “bộ sưu tập sản phẩm chất lượng” đưa ra trước công chúng. Có thể khán giả biết nhiều tên tuổi của học trò tôi nhưng chưa biết người đứng sau đẩy các bạn lên trước là ai. Đó là tâm thế tôi hướng tới khi thực hiện đêm nhạc. Còn thầy trò chúng tôi chắc phải làm 5 đêm nhạc mới hết được (cười).

Đại tá, NSND Hà Thủy là cô giáo của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng.

– “Bộ sưu tập sản phẩm chất lượng” của cô đa dạng như thế nào?

Học trò của tôi có 4 NSND, 10 NSƯT, 15 bạn trong showbiz… Họ chắc chắn đều là những người nghệ sĩ vô cùng cá tính.

Trải nghiệm về cuộc đời nghệ sĩ và kinh nghiệm sư phạm khiến tôi nhìn thấy cá tính của các học trò. Người thầy nhìn được cá tính của học trò, kích thích họ đi đúng hướng trong âm nhạc thì các bạn sẽ đi được lộ trình mong muốn.

Phạm Phương Thảo cá tính rất mạnh, lên sân khấu nết na dịu dàng như cô Tấm nhưng ở ngoài tính cách đành hanh, ghê gớm. Thảo như một người thủ lĩnh, được mọi người tôn trọng, lắng nghe ý kiến.

Tôi hay gọi Hồ Quỳnh Hương là “Hương ngơ”. Ngay khi được chuyển sang lớp tôi, tôi đã phát hiện Hương có những điều khác với các bạn. Một ca sĩ trước hết phải học cách có âm thanh, hơi thở tốt, kỹ thuật tốt sau đó mới đưa cảm xúc vào bài hát. Bản thân Hương có cảm xúc ngay khi học kỹ thuật rồi.

Ca sĩ Văn Mai Hương là học trò yêu quý của NSND Hà Thủy.

– Mọi người gọi NSND Hà Thủy là “phù thủy âm nhạc”, cô vui hay áp lực?

Cả hai! Tôi vui vì mọi người tin tưởng mình nhưng cũng áp lực. Có giai đoạn nhiều học sinh của tôi giành giải trong các cuộc thi từ thính phòng, Sao Mai, đến nhạc nhẹ. Càng như vậy tôi càng áp lực. Tôi càng nỗ lực để uy tín, tiếng nói của mình phải chuẩn.

Tôi hay nói với các học trò, bàn tay của học sinh một là vỗ vào ngực thầy để thầy có thể hiên ngang bước, tự hào với đời hoặc có thể là tát vào mặt thầy nếu học trò làm nhiều điều không đúng. Không có đỉnh núi nào cần vượt qua ngoài chính bản thân mình. Vượt qua đỉnh núi bản thân mới là điều quan trọng.

Tặng học trò xe máy, được trả ơn ô tô nhưng từ chối

– Có câu chuyện, hoàn cảnh nào về những người học trò cũ của mình khiến cô nhớ nhất?

Chu Thúy Quỳnh có lẽ là một học sinh khiến tôi nhớ nhiều. Quỳnh sinh ra trong một gia đình khá hoàn cảnh. Lúc đầu, tôi khó chịu với Quỳnh lắm vì bạn ấy nghỉ học nhiều. Có những hôm cả lớp học gần xong rồi Quỳnh mới đến. Tôi có hỏi lý do Quỳnh trả lời là đi bộ đi học trong khi nhà cách trường 4-5km vì không có tiền đi xe bus, không có xe đạp hay xe máy.

Tôi thấy mủi lòng khi nghe điều đó, thấy mình đã trách nhầm học trò. Sau đấy, tôi cho Quỳnh cái xe máy của tôi để đi. Tôi cũng lấy hết quần áo của con cho Quỳnh mang về mặc.

NSND Hà Thủy là người thầy nghiêm khắc nhưng cũng vô cùng tình cảm.

– Chu Thúy Quỳnh hiện tại đáp lại những ân nghĩa của cô như thế nào?

Học sinh nào cũng yêu và đều biết tính tôi. Tôi là người khái tính và không có nhu cầu bất cứ thứ gì. Nhiều bạn hiện tại thành đạt, giàu có và ngỏ ý nếu tôi cần gì cứ nói. Tôi trêu Quỳnh là năm tôi cho em ấy xe máy là lúc tôi giàu, bây giờ tôi nghèo rồi. Quỳnh nói luôn sẽ mua ô tô cho tôi mà không cần suy nghĩ. Nhưng thực ra, tôi chỉ cần các học sinh của tôi sống tốt thôi.

– Nhiều học sinh nhận xét cô ghê giống “bà la sát” đó?

Bây giờ tôi vẫn hay trêu học trò là lúc nào cũng “nói xấu thầy tới méo mồm”.

Tôi thường thẳng thắn, thật thà và theo quan điểm “thương cho roi cho vọt”. Học sinh của tôi còn trêu nhau đố ai không bị tôi mắng. Nhiều học sinh có ngoại hình bé, tôi nói luôn đi theo nghệ thuật là sai lầm. Tôi không để các em ảo tưởng hay hy vọng điều gì mà chỉ định hướng cho các em con đường phù hợp nhất để theo.

Đôi khi tôi cũng gây áp lực với học sinh nhiều nên đôi bên làm nhau buồn. Tôi còn nhớ, có một học sinh từng nhắn tin nói tôi đừng kỳ vọng, gây áp lực cho em ấy quá vì tôi cho bài khó quá, bạn ấy không hát được.

Tôi chỉ nói, không phải bạn ấy không làm được mà do lười. Tôi cũng từng như thế, sợ hãi như các em nên hiểu và thúc các em vượt qua chính bản thân. Sau này, bạn ấy còn được đặc cách, không phải thi đại học luôn.

-Trong quá trình giảng dạy, cô chia sẻ như thế nào với học trò của mình về cách ứng xử với công chúng?

Có một khái niệm đạo đức nghề nghiệp chúng tôi luôn nhắc nhở nhau đó là dạy người rồi mới dạy nghề. Tôi luôn tự hào và hạnh phúc khi tất cả những học sinh của tôi đều yêu, không quay lưng lại với tôi. Điều hạnh phúc đó không phải ai cũng có được.

Tôi không cần ai đứng trước mặt nói tôi là phù thủy âm nhạc, dạy giỏi lắm. Điều đó vô nghĩa. Đôi khi tôi chỉ cần một tin nhắn tri ân trong ngày 20/11 cũng thấy hạnh phúc lắm rồi.

Theo Vietnamnet