‘Sát hạch lái xe mô phỏng kiểu dùng mẹo để thắng’

‘Canh xi nhan chớp nháy hai lần là bấm’ hay ‘canh xe buýt cán vạch là bấm’… chúng tôi truyền tai nhau 120 mẹo để qua bài thi mô phỏng.

Trước khi có thể thi phần thực hành, người muốn có bằng lái xe hạng B1 và B2 phải trải qua bài thi trên phần mềm mô phỏng tình huống. Đây là nỗi ám ảnh của rất nhiều thí sinh vì nhiều điểm có phần vô lý nhưng vẫn phải vượt qua.

Giai đoạn cuối năm 2023, nhiều cơ quan quản lý giao thông vận tải ở địa phương lẫn các cơ quan báo chí cũng lên tiếng rất nhiều về phần thi mô phỏng tình huống lái xe bởi sự bất hợp lý của nó. Sau đó, Cục Giao thông đường bộ (Bộ Giao thông vận tải) đã cho chỉnh sửa một số tình huống để phù hợp hơn với thực tế, cũng như điều chỉnh thời gian nhận biết tình huống nguy hiểm để người học dễ dàng tiếp thu, xử lý.

Tôi đang là học viên hạng B2 và sắp thi tốt nghiệp. Theo cảm nhận của tôi, phần mềm mô phỏng lái xe giống như một trò điện tử nhưng không có luật chơi. Tôi gần như không hiểu được tính logic khi xử lý tình huống mà cơ quan tổ chức thi muốn đặt ra cho người học hay tài xế sau khi được cấp bằng. Một số mẹo truyền tai nhau của chúng tôi là “canh xi nhan chớp nháy hai lần là bấm” hay “canh xe buýt cán vạch là bấm”…

Phần thi này có 120 tình huống, đồng nghĩa người học phải nhớ 120 mẹo như vậy. Bởi nếu không nhớ mẹo, người học sẽ bấm theo phản xạ của bản thân. Mà phản xạ của mỗi người là khác nhau, chẳng ai giống ai cả. Ở một số tình huống, nếu người lái xe nhận diện được nguy hiểm và phản xạ dừng xe sớm cũng không được điểm. Hoặc nếu phanh xe cách đoạn ngắn trước mốc nguy hiểm cũng rất dễ bị 0 điểm.

Ở một số tình huống xe lấn làn, ngay khi xe đi trước cán vạch chuyển làn, người học bấm dừng sẽ được 5 điểm. Tuy nhiên, cũng tương tự ở tình huống khác lại bị cho là sớm và nhận điểm 0. Đây là sự bất nhất của người lập trình phần mềm.

Bên cạnh đó, nếu người học ứng dụng kiến thức trên phần mềm mô phỏng vào thực tế thì có lẽ sự an toàn cũng không tăng lên là bao. Thậm chí, nếu hình ảnh “canh xe lấn làn cán vạch” mới phanh trở thành phản xạ thì còn rất nguy hiểm cho tài xế bởi tình huống ngoài đường là muôn hình vạn trạng.

Tôi cho rằng phần thi mô phỏng này thực sự không cần thiết khi một học viên B2 đã phải hoàn thành phần chạy đường trường 810 km (hay chạy DAT) mới đủ điều kiện thi. Với 810 km này, qua cung đường quốc lộ, người học cũng nắm thêm được một số khả năng phản xạ thực tế. Việc duy trì bài thi mô phỏng theo kiểu hình thức thế này tạo nên một sự lãng phí tiền bạc, thời gian của xã hội.

Thay vì thời gian học mô phỏng, tôi cho rằng học viên cần tăng thời lượng học lái xe trên sa hình hoặc củng cố bài lý thuyết. Lái xe cần cả một quá trình tích lũy kinh nghiệm, không thể nhồi nhét vào trong một phần mềm giống như trò chơi điện tử thiếu thực tế, rồi hy vọng chất lượng tài xe được cải thiện.

Nguồn: https://vnexpress.net/sat-hach-lai-xe-mo-phong-kieu-dung-meo-de-thang-4730153.html