Tiền bạc dễ vay khó đòi: Người EQ cao có 4 cách từ chối khéo chẳng mất lòng ai

Bạn bè hoặc người thân gì cũng vậy, có gần gũi cỡ mấy mà đụng đến vấn đề tiền bạc thì nhạy cảm lắm, nếu cư xử không khéo thì sẽ rất dễ mất lòng nhau, thậm chí không nhìn mặt nhau luôn đó. Dù biết là vậy nhưng trong thực tế cuộc sống, chúng ta khó tránh khỏi các tình huống này lắm các chị em ạ. Thế nên, cách tốt nhất là chúng ta học cách ứng phó và giải quyết như thế nào khi phải đối diện mới là quan trọng.

Có một thực tế là tiền bạc dễ vay nhưng đến lúc đòi lại rất khó, bởi nếu mình cứ thúc giục người ta trả tiền thì sẽ rất dễ khiến mối quan hệ giữa 2 bên rạn nứt. Do đó, theo bài đăng trên trang Tri thức trẻ, em vừa đọc được, người có EQ (chỉ số trí tuệ cảm xúc phản ánh khả năng nhận biết, điều tiết cảm xúc và ứng xử) cao thì thường sẽ từ chối cho vay tiền theo 1 trong 4 cách dưới đây, vừa đỡ tránh rắc rối phiền phức về sau, vừa không mất lòng đối phương.

hình ảnh

Ads (0:00)

Ảnh minh họa. Nguồn: Vay Online 24/7. 

1. Hỏi lý do vay tiền

Chúng ta thường dễ bị khớp với câu hỏi vay tiền từ đối phương và sẽ hỏi lại ngay là cần vay mượn bao nhiêu. Trong khi thực tế để từ chối cho vay khéo léo, chị em nên hỏi họ lý do vay tiền là gì, đồng thời tự ngẫm xem mối quan hệ và mức độ thân thiết giữa chị em với người đó ra sao để có hành động phù hợp tiếp theo.

Câu hỏi này thường rất dễ dàng đối với người có mức độ thân thiết với mình, đó có thể là gia đình họ đang gặp chuyện nên cần vay gấp một số tiền để giải quyết nhanh. Vì thế, nếu trong khả năng của mình thì chị em có thể giúp họ với mức hợp lý.

Ngược lại, câu hỏi này thường khá nhạy cảm đối với người không thân. Đây là câu hỏi với mục đích từ chối khéo, nếu họ vay chỉ cho vui hoặc với mục đích không tốt thì họ sẽ tự động rút lui, không hỏi nữa.

2. Chia sẻ rằng bản thân cũng đang lâm cảnh túng thiếu

Theo em quan sát, đây là cách mà đa số chúng ta thường áp dụng bởi thực tế xung quanh ta có rất nhiều người vay tiền không phải vì khó khăn đâu ạ, họ vay tiền để phục vụ cho các nhu cầu cao hơn như mua ô tô hay sắm xe máy đời mới hoặc thậm chí là lên đời điện thoại…

Nếu biết họ vay tiền để phục vụ cho những nhu cầu này thì chị em hãy nhanh trí ứng xử bằng cách chia sẻ rằng mình cũng đang lâm vào cảnh túng thiếu, chứ không dư dả gì, hằng tháng phải trả nợ ngân hàng hoặc nợ vay từ người thân, bạn bè.

Với cách làm này, không những chị em giữ được tình cảm và mối quan hệ giữa 2 bên mà còn khiến cho đối phương nắm được tình trạng tài chính của mình mà không còn hỏi vay mượn nữa.

3. Kể rằng mình đang gửi tiết kiệm và không thể rút ra

Nếu đoán chắc rằng đối phương biết mình không hề khó khăn, túng thiếu hoặc đang trả nợ vay ngân hàng hằng tháng thì chị em có thể từ chối bằng cách kể rằng mình đang gửi tiết kiệm tại ngân hàng và không thể rút ra.

Về nguyên tắc, gửi tiết kiệm ngân hàng sẽ có 2 loại là không kỳ hạn và có kỳ hạn. Đa số chúng ta thường sẽ gửi loại có kỳ hạn vì lãi suất cao hơn. Khi cần thiết vì mục đích cấp bách, chị em vẫn có thể rút ra nhưng phải chịu thiệt khoản lãi rất lớn, nên đó là lý do chẳng ai muốn rút tiết kiệm trước hạn. Do đó, khi nghe mình trình bày lý do, chắc chắn đối phương sẽ cảm thấy áy náy và tự động thoái lui không hỏi vay mượn tiền nữa. Đây cũng là cách từ chối cho vay mượn tiền khéo léo mà không làm tổn thương đối phương.

4. Tiết lộ rằng mình không phải là người giữ tiền trong nhà

Nếu thực sự không muốn cho đối phương vay mượn tiền, chị em có thể tiết lộ rằng mình không phải là người nắm giữ tài chính trong nhà, nên chuyện họ vay mượn phải hỏi lại chồng/vợ mình đã. Nghe đến đây, đối phương tự khắc có cảm giác ngại ngùng và chủ động rút lui, không hỏi nữa.

Làm theo 1 trong 4 cách nói trên, chị em sẽ không cảm thấy khó xử khi từ chối cho vay tiền mà vẫn giữ được mối quan hệ tốt đẹp. Dù mình là người cho vay hoặc vay tiền từ người khác thì chị em cũng nên hiểu rằng tất cả sự giúp đỡ này đều là tình cảm, chứ không phải là nghĩa vụ, vì thế đừng tạo áp lực cho bản thân mình cũng như người khác.

Chỉ khi lâm vào cảnh thực sự không còn được thoát nữa thì mới tính đến chuyện vay mượn tiền từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp… bởi đâu biết rằng họ có khi còn khổ cực và khó khăn hơn mình nhiều thì sao? Vậy nên, chúng ta cần học cách quản lý tài chính, biết co kéo trong giới hạn thu nhập của mình và biết tích lũy đề phòng các sự cố bất trắc không may xảy ra.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Đầu tư. 

Thêm nữa, chị em nên tự đặt ra tiêu chuẩn riêng trong việc giao kết bạn bè như là người có uy tín và nhân cách tốt, siêng năng, chăm chỉ làm việc, có như vậy mới hạn chế được các tình huống khó xử khi họ hỏi vay mượn tiền. Còn những kẻ lười biếng, suốt ngày chỉ biết hưởng thụ chứ không biết làm, vay tiền không trả đúng hạn hoặc quỵt thì không đáng để mình kết giao làm bạn. Nhớ nhé chị em!