Nếu đã như vậy, tôi đành từ bỏ cả con trai và con dâu.
Tôi năm nay 60 tuổi, chồng tôi 65 tuổi, tổng lương hưu của hai chúng tôi cộng lại được khoảng 35 triệu VNĐ. Dù cho đây là mức lương hưu không hề thấp, nhưng chúng tôi lại thuộc những người chưa đến cuối tháng đã tiêu hết tiền, túi tiền luôn trong tình trạng bị “bỏ đói”.
Nghỉ hưu vẫn phải vất vả lo toan cho con cháu
Những người khác tuy lương hưu không cao bằng vợ chồng tôi, nhưng cuộc sống lại nhàn nhã hơn chúng tôi nhiều. Họ không những có tiền tiết kiệm mà thỉnh thoảng lại đi du lịch thư giãn, mỗi ngày trôi qua thật tuyệt vời làm sao. Tôi và chồng tuy lương hưu cao đấy, nhưng chúng tôi chưa dám đi du lịch bao giờ, không phải vì không thích mà là vì điều kiện không cho phép.
Tôi nghỉ hưu năm 55 tuổi, vừa nghỉ xong thì con trai và con dâu giục tôi đến nhà hai đứa ở, trở thành bảo mẫu giữ trẻ được trả lương cho nhà con trai. Lúc đó chồng tôi vẫn chưa về hưu, tôi không nỡ để ông ấy ở nhà một mình nên thuyết phục ông ấy cùng tôi dọn đến nhà con trai. Nhà của hai vợ chồng con trai có ba căn phòng, vợ chồng tôi dọn đến đó ở cũng không quá chật chội. Tuy rằng điều kiện sống ở đây rất tốt, nhưng cũng có khá nhiều vấn đề.
Từ lúc vợ chồng tôi đến, con trai và con dâu chẳng để tâm gì đến chuyện trong nhà nữa, con cái cũng không chăm, việc nhà cũng không làm, chuyện gì cũng ném cho hai ông bà già lo liệu. Ông nhà mặc dù cũng xót tôi, nhưng ban ngày vẫn phải đi làm, không giúp được nhiều, tôi ở nhà vừa trông cháu vừa chợ búa cơm nước, ngày nào cũng mệt muốn tắt thở, không hề có thời gian nghỉ ngơi.
Thấy mẹ vất vả như vậy nhưng cả con trai cả con dâu đều vờ như không thấy, chúng chỉ biết tự tận hưởng một mình, chẳng một câu lo lắng hỏi han xem tôi có ổn không. Chỉ có ông nhà là tốt với tôi, mỗi ngày tan làm về ông ấy sẽ làm hết việc nhà cho tôi nghỉ ngơi. Nếu không có ông ấy, sợ là tôi đã lăn ra ốm lâu rồi.
Ảnh minh họa.
Mặc dù vợ chồng con trai rất ích kỉ, chuyện lớn nhỏ gì trong nhà cũng đùn đẩy cho bố mẹ, nhưng tôi không hề tính toán so đo gì với chúng. Tôi nghĩ giờ chúng vẫn còn trẻ, suy nghĩ vẫn chưa hoàn toàn trưởng thành, đợi một thời gian nữa chúng chín chắn hơn, chắc chắn sẽ báo đáp hiếu kính bố mẹ mà thôi. Ôm suy nghĩ đó, hai vợ chồng tôi tiếp tục phục vụ cho gia đình nhỏ của con trai mà không một lời oán trách gì cả. Tất cả mọi chi phí trong nhà như điện nước, gas, đồ dùng gia đình, đều là tiền lương hưu của chúng tôi bỏ ra, kể cả tiền nuôi cháu nội cũng là tiền của ông bà nội. Vợ chồng con trai không những một đồng tiền phí sinh hoạt cũng không đưa, lại còn đòi thêm tiền của chúng tôi.
Chúng nói mỗi tháng phải trả 10 triệu tiền thuê nhà, áp lực quá lớn, nếu chúng tôi giúp đỡ trả một nửa thì sau này chúng sẽ không ngửa tay xin tiền nữa. Tôi nghĩ bụng, tiền lương hưu của vợ chồng tôi cũng được, kể cả trừ đi 10 triệu tiền nhà thì cũng không thành vấn đề, thế là tôi đồng ý đưa tiền nhà cho vợ chồng chúng, như vậy còn đỡ hơn là để chúng cứ cách vài ba bữa lại hỏi chuyện tiền nong, còn phiền phức hơn.
Chuyến du lịch mơ ước
Đầu năm nay chồng tôi chính thức về hưu. Ông ấy nói với tôi muốn hai vợ chồng cùng đi du lịch, hoàn thành ước mơ được chu du thế giới bên ngoài bấy lâu nay. Tôi nghĩ bây giờ chúng tôi mới 60 tuổi, nhân lúc chân đi vẫn còn chắc, ra ngoài du lịch một chuyến cũng vui vẻ. Nếu để vài năm nữa, sợ rằng muốn đi cũng chẳng có sức mà đi. Vậy là chúng tôi dự định sau khi bàn bạc với vợ chồng con trai, sắp xếp mọi chuyện trong nhà ổn thoả xong thì lên đường luôn.
Lúc nói với chúng dự định đi du lịch xong, con trai nói: “Bố mẹ đi thì ai trông cháu? Ai nấu cơm cho chúng con ăn?”. Chồng tôi nghe con trai nói thế thì bực mình mắng: “Chẳng lẽ chúng tôi đi rồi thì anh chị cũng không định sống nữa à?”. Trông hai bố con chuẩn bị cãi nhau đến nơi, tôi vội vàng can ngăn, có chuyện gì thì từ từ nói. Đúng lúc đó con dâu nói một câu: “Con đón ông bà ngoại qua đây, để ông bà nội đi chơi mấy hôm, như thế là được rồi.” Lúc đó tôi còn cảm động nói với con dâu: “Vậy thì phiền ông bà thông gia vài hôm nhé, bố mẹ du lịch về là ông bà thông gia có thể về nhà rồi”.
Chuyện đã được giải quyết xong, vợ chồng tôi vui vẻ lên đường. Để tiết kiệm tiền, chúng tôi không đi du lịch theo đoàn mà chọn du lịch tự túc. Chúng tôi đến các thành phố lớn chơi, chỉ chơi ở những nơi miễn phí vé vào cửa, khách sạn cũng chỉ chọn loại tầm trung. Tuy vậy, hai chúng tôi vẫn đi chơi rất vui vẻ hạnh phúc, đi được rất nhiều nơi. Chẳng mấy chốc mà đã đến ngày quay về. Tối cuối cùng, tôi còn đi mua rất nhiều quà kỉ niệm cho con và cháu, thầm nghĩ chắc chúng sẽ thích lắm đây.
“Món quà” của con trai và con dâu khiến người mẹ tỉnh ra
Mua đồ xong, về đến khách sạn, điện thoại của tôi có thông báo. Tôi mở lên xem thì thấy con dâu chuyển cho tôi 300 triệu. Tôi thắc mắc hỏi chồng không biết sao tự nhiên lại được chuyển tiền, ông ấy nghĩ một lúc rồi nói: “Có lẽ vợ chồng chúng muốn cảm ơn công lao chúng ta chăm sóc mấy năm nay nên mới chuyển nhiều tiền như vậy”.
Tôi còn chưa kịp vui mừng thì lại thấy tin nhắn con dâu gửi đến: “Bố mẹ yêu quý, mấy hôm nay bố mẹ vất vả rồi, đây là chút thành ý của chúng con, bố mẹ mua đồ tẩm bổ sức khoẻ nhé!”.
Nhìn thấy dòng tin nhắn đó, tôi cảm giác như có ai vừa gõ một cái vào đầu và hiểu ra tất cả: Thì ra tiền đấy không phải chuyển cho tôi mà là chuyển cho ông bà thông gia. Với bố mẹ chồng thì keo kiệt bủn xỉn, bao nhiêu năm không biếu một đồng nào, thế mà ông bà thông gia mới đến vài hôm đã vung tay tặng số tiền lớn như thế, đúng là làm tôi tức chết!
Đang trong cơn nóng giận, con dâu gọi điện đến, tôi bắt máy, còn chưa kịp nói gì thì đã bị nó chặn đầu: “300 triệu đấy con chuyển nhầm, chuyển lại cho con nhanh nhé!”. Hay lắm, một tiếng “mẹ” cũng không thèm gọi mà đòi tiền luôn, đã thế thì tôi cũng không khách khí nữa: “Bình thường thì kêu nghèo lắm, sao đột nhiên lại có hẳn 300 triệu chuyển khoản thế, hả?”.
Con dâu khựng lại, một lát sau mới nói: “Tiền đấy là tiền con vay của bạn, giờ con chuyển trả lại nó”.
Ảnh minh họa.
Tôi biết thừa con dâu đang giả vờ nên tuôn một tràng: “Tin nhắn ban nãy tôi thấy không sót chữ nào, hoá ra không phải là cô không có tiền mà cô lấy của công làm của riêng, cô cầm tiền của tôi đi báo đáp bố mẹ cô, cô không thấy xấu hổ với chúng tôi à?”.
Nói xong, tôi tức giận dập máy, chồng tôi hỏi phải xử lý tiền này thế nào, tôi nói, sao mà phải nghĩ, tiền này vốn dĩ là tiền của chúng ta, không trả lại được.
Ngay sau đó, con trai gọi điện đến, bảo tôi nhanh trả lại tiền cho vợ nó, không thì tôi không xong với nó đâu. Tôi tưởng nó không biết nên kể lại đầu đuôi câu chuyện cho nó nghe, ai ngờ nó bảo chuyện biếu tiền này nó biết, nó đồng ý rồi. Tôi tức đến mức bật khóc, nói với nó: “Nhà thông gia chỉ đến giúp có một tuần mà anh chị đã biếu người ta 300 triệu, còn chúng tôi phục vụ anh chị mấy năm liền, đừng nói là 300 triệu, đến 300 nghìn anh chị còn không đưa cho chúng tôi, anh chị sống thế mà được à!”.
Con trai vẫn cố cãi, nó cho rằng tôi già rồi nên lẩm cẩm, dù gì cháu nội cũng theo họ nhà chúng tôi, ông bà nội bỏ tiền ra là lẽ đương nhiên. Tôi cạn lời, xem ra con trai bị con dâu tẩy não rồi. Tôi nói thẳng với nó: “Tiền này tôi không trả, nhà anh chị tôi cũng không về nữa, đi mà bảo nhà thông gia sang phục vụ!”. Nói xong, tôi cúp điện thoại. Cho dù sau lần này con dâu con trai có giận dỗi, tôi cũng mặc kệ, chẳng quan tâm nữa.
Sau khi rời khỏi đó, cuộc sống của chúng tôi nhẹ nhàng hẳn. Bây giờ, chúng tôi vừa có tiền, vừa có thời gian, ngày ngày trôi qua nhẹ như mây, chẳng có phiền não gì cả. Trải qua chuyện này, tôi đúc kết ra một kinh nghiệm sâu sắc: Con cái trưởng thành rồi, bố mẹ có giúp đỡ thì chỉ đến một mức độ nhất định, không thể mù quáng mà cho đi hết, nếu không thì chỉ khiến con cái trở nên tham lam mà thôi. Như vậy không những khiến bản thân mình tổn thương, mà còn cướp đi cơ hội trưởng thành, chín chắn của con mình