“Tôi thích ôm làn trái trên cao tốc” bởi hàng loạt lý do vô cùng thuyết phục!

‘Lý do tôi thích ôm làn trái trên cao tốc’

Tôi thích ôm khư khư làn trái, không nhường vì đi làn này đỡ phải quan sát nhiều, đỡ phải điều chỉnh tốc độ.

Mọi người chỉ trích những người bám làn trái như tôi cũng nhiều, nhưng ít ai hỏi xem vì sao chúng tôi làm như vậy. Thực sự tôi cũng đâu muốn, nhưng giao thông Việt Nam khiến tôi không thể làm khác. Các bạn bình tĩnh đọc, tôi kể cho nghe.

Đầu tiên, khi mới có bằng, tức là “lái non”, chưa nhiều kinh nghiệm. Tôi chọn bám sát đường bên trái để chỉ phải quan sát một làn đường bên phải thay vì phải nhìn cả hai bên. Với tư duy đi chậm cho an toàn, tôi càng không dám đi nhanh. Hồi học lái, thầy dạy lái của tôi cũng nói như vậy, cho đơn giản, an toàn. Sau này khi lái lâu rồi cũng không thay đổi.

Một nguyên nhân khác là ở những đường nhiều xe container di chuyển, tôi ngại va chạm nên chọn bám làn đường trái. Nếu mà đi làn phải, ngoài xe con, tôi còn gặp xe khách, xe container, nhiều quá, lái sẽ khổ hơn.

Tôi cũng là người lái xe hiểu luật đấy nhé. Tôi đã nghĩ rằng, đi đúng tốc độ cho phép, thì đi làn nào chẳng được, sao những người khác bắt tôi phải chuyển làn.

Sau này khi làm tài xế lái xe container, xe tôi nặng ơi là nặng. Nếu mà chuyển làn nhường đường thì rất mệt mỏi, phải quan sát, phải oằn mình chuyển làn. Mà xe container đi làn phải, gặp mấy xe con đi chậm, tôi phải phanh thì rủi ro lắm, xe nặng phanh rất lâu dừng. Hoặc phanh rồi, thì tăng tốc lại cũng lâu, tốn nhiên liệu.

Bởi những suy nghĩ này tôi luôn bám làn trái, vì điều đó an toàn cho tôi. Tôi không thấy có lý do gì mình phải thay đổi.

Đọc đến đây chắc hẳn các bạn tức điên rồi. Thật ra không có “tôi” nào cả. Đây chỉ là những điều mà tôi đã hỏi vài người hay bám làn trái và được họ chia sẻ lại, rất cá nhân, không cần luật lệ, lý lẽ gì.

Thật ra, việc chạy ở làn trái mới là mất an toàn. Nếu chạy làn phải, còn làn trái dùng để vượt thì các xe luôn giữ khoảng cách với nhau, xe chạy chậm thì vẫn chạy chậm, xe chạy nhanh hơn thì luôn chạy nhanh hơn, không phải đảo làn liên tục để tránh xe. Khi di chuyển thường xuyên quan sát gương chiếu hậu, khi có xe phía sau tốc độ cao hơn xe mình (dù người ta có vi phạm tốc độ tối đa) thì chủ động di chuyển xe sang làn phải để nhường đường (trên 2 làn xe).

Tuy nhiên, dù đã có quy định về việc nhường đường nhưng hầu như không có ai bị phạt về hành vi không nhường đường hoặc đi chậm nhưng cố tình bám làn bên trái. Muốn giải quyết được vấn đề thì ngoài việc nâng cao ý thức lái xe, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc để lập lại trật tự trên các tuyến đường.

Cuối cùng, khi tham gia giao thông, mọi người hãy nghĩ đến việc đảm bảo an toàn cho người khác thay vì chỉ nghĩ đến bản thân, nếu ai cũng đảm bảo an toàn cho người khác thì tất cả mọi người sẽ được an toàn.