Vặn mình (hoặc rướn) là hiện tượng thường thấy ở trẻ sơ sinh, có nhiều trẻ vặn mình kèm theo giật mình khiến cho không ít bố mẹ trẻ phải lo lắng. Vậy trẻ sơ sinh vặn mình có đáng lo ngại hay không?
1. Hiện tượng vặn mình ở trẻ sơ sinh
Biểu hiện gồng người vặn mình, mặt đỏ lên và kết thúc trong vài phút khi thức hoặc khi ngủ có ở hầu hết các trẻ sơ sinh từ vài tuần tuổi tới 2 tháng và thường kết thúc khi trẻ được 3 – 4 tháng tuổi. Đây là biểu hiện sinh lý bình thường, nguyên nhân do trẻ chưa quen với cuộc sống ở bên ngoài tử cung của mẹ, các tế bào thần kinh chưa biệt hoá, vỏ não và thể vân chưa phát triển nên hoạt động dưới vỏ chiếm ưu thế. Do đó, trẻ thường có những biểu hiện múa vờn, vận động tay chân thường xuyên vì phản ứng của vỏ não có xu hướng lan tỏa khi bị kích thích.
Biểu hiện hay vặn mình ở trẻ sơ sinh được chia thành 2 trường hợp: vặn mình là biểu hiện sinh lý và vặn mình là biểu hiện do bệnh lý. Vì thế, khi trẻ vặn mình, các bậc cha mẹ cần để ý xem hiện tượng vặn mình đó liệu có phải là dấu hiệu của biểu hiện sinh lý bình thường hay là biểu hiện của các bệnh lý khác.
2. Biểu hiện trẻ sơ sinh hay vặn mình do sinh lý
Có rất nhiều yếu tố sinh lý từ môi trường tác động đến trẻ khiến trẻ sơ sinh vặn mình và giật mình như:
- Nơi trẻ ngủ không thoải mái, ngủ trên đệm quá cứng, gối đầu cao hoặc tư thế ngủ không được thoải mái; có nhiều ánh sáng hoặc tiếng ồn lớn xung quanh.
- Trẻ bị nóng quá hoặc lạnh quá.
- Trẻ đói thường sẽ có biểu hiện đầu cựa quậy, vặn mình, uốn người…
- Phản ứng khi rặn tiểu hoặc đại tiện
- Trẻ bị ướt tã, bỉm do đi tiểu nhiều.
- Trẻ bị quấn khăn hoặc mặc quần áo quá chật chội: khi trẻ có những vận động tay chân vô thức, nếu bị quấn chặt quá sẽ gây khó chịu và gây ra phản ứng như vặn mình, gồng mình.
3. Biểu hiện trẻ sơ sinh hay vặn mình do bệnh lý
Khi trẻ sơ sinh vặn mình nhiều kèm theo các biểu hiện ọc sữa, ra mồ hôi trộm, quấy khóc nhiều thì đó có thể là biểu hiện của bệnh lý, ví dụ chứng thiếu vitamin D, canxi hoặc bệnh về đường tiêu hóa…
Nếu để trẻ sơ sinh thường xuyên bị vặn mình, gồng đỏ mặt, thậm chí hay giật mình khi ngủ thì bố mẹ cần phải quan tâm hơn vì điều này nếu kéo dài có thể sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ nhỏ. Ngoài ra, một số bệnh lý khác khiến da của trẻ bị thương tổn như ngứa, nóng rát cũng làm cho trẻ khó ngủ yên giấc hay do côn trùng chui vào tai, gây ra phản ứng vặn mình, gồng mình…
Đọc thêm bài viết : Mẹo dân gian chữa vặn mình hiệu quả ở trẻ sơ sinh.