Đất nông nghiệp là gì?
Đất nông nghiệp được định nghĩa là đất sử dụng vào mục đích sản xuất, nghiên cứu, thí nghiệm về nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối và mục đích bảo vệ, phát triển rừng. Đất nông nghiệp bao gồm đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối và đất nông nghiệp khác.
Căn cứ Điều 10 Luật Đất đai năm 2013, đất đai được phân loại như sau:
Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
- a) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;
- b) Đất trồng cây lâu năm;
- c) Đất rừng sản xuất;
- d) Đất rừng phòng hộ;
- đ) Đất rừng đặc dụng;
- e) Đất nuôi trồng thủy sản;
- g) Đất làm muối;
- h) Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.
Có được xây nhà trên đất nông nghiệp không?
Khoản 1 Điều 6 của Luật Đất đai năm 2013 đặt ra một nguyên tắc cơ bản và quan trọng khi sử dụng đất, đó là tuân thủ quy hoạch, kế hoạch và mục đích sử dụng đất chính xác.
Theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP, việc sử dụng đất nông nghiệp cho mục đích khác mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép sẽ bị xem là vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và sẽ bị áp dụng các biện pháp xử phạt tương ứng.
Xây nhà ở trên đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị phạt tiền lên đến 500 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả, khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.
Xây nhà trên đất nông nghiệp, làm sao để được cấp sổ đỏ?
Để được cấp sổ đỏ cho đất sử dụng, người dùng đất phải tuân thủ quy trình đăng ký và xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở. Quá trình này đòi hỏi sự thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.
Người sử dụng đất cần nộp đơn xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại cơ quan có thẩm quyền. Thông qua việc cung cấp các tài liệu và thông tin liên quan, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét đơn xin và kiểm tra tính hợp pháp của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Quá trình này bao gồm đánh giá về tác động của việc chuyển đổi lên môi trường, quy hoạch đô thị và quyền lợi của các bên liên quan. Nếu đáp ứng được các yêu cầu và điều kiện, người sử dụng đất sẽ được cấp sổ đỏ chứng nhận quyền sở hữu và mục đích sử dụng đất đã được chuyển đổi.
Các bước chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở
Theo quy định tại Điều 57 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất sẽ được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nếu được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Để chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở, người sử dụng đất cần thực hiện theo các bước:
Đầu tiên hãy chuẩn bị 1 bộ hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm các loại giấy tờ: Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BTNMT; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Sau đó, người sử dụng đất nộp 1 bộ hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất đến Phòng Tài nguyên và Môi trường để được giải quyết theo thẩm quyền.
Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành thẩm tra hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 3 ngày làm việc, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ thông báo và hướng dẫn người sử dụng đất bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Tiếp theo cần nộp tiền sử dụng đất theo thông báo nộp tiền sử dụng đất của cơ quan thuế. Số tiền sử dụng đất mà người sử dụng đất phải nộp khi chuyển mục đích sử đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Quy định trên đồng thời áp dụng đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp theo pháp luật đất đai của người sử dụng đất sang đất ở.
Cuối cùng, người sử dụng đất nhận quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi đã nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất.
Quy định về cấp sỏ đỏ năm 2023
Nguyên tắc cấp sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) được quy định tại Điều 98 Luật Đất đai 2013 như sau:
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp theo từng thửa đất.
Trường hợp người sử dụng đất đang sử dụng nhiều thửa đất nông nghiệp tại cùng một xã, phường, thị trấn mà có yêu cầu thì được cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chung cho các thửa đất đó.
– Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải:
+ Ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất; và
+ Cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận;
Trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.
– Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất không thuộc đối tượng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được miễn, được ghi nợ nghĩa vụ tài chính và trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền cấp.
– Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.
Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu.
– Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 hoặc Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có.
Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 99 Luật Đất đai 2013.