Vụ ‘dỗi’ vì phụ huynh không duyệt mua laptop: Lập tổ công tác động viên cô Hạnh

Trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TPHCM cử cô Phó hiệu trưởng làm chủ nhiệm lớp 4/3. Đồng thời, trường lập tổ công tác động viên tinh thần cô giáo Trương Phương Hạnh vụ xin phụ huynh mua laptop.

 

Sáng nay (1/10), ông Võ Cao Long, Trưởng phòng GD-ĐT quận 1, TPHCM chính thức thông tin về vụ việc cô giáo xin phụ huynh mua laptop ở Trường Tiểu học Chương Dương.

Theo ông Long, lãnh đạo UBND quận 1 đã thống nhất chỉ đạo đối với trường hợp xảy ra ở Trường Tiểu học Chương Dương là kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật (nếu có), không bao che các hành vi vi phạm, công khai, minh bạch, làm rõ thông tin dư luận.

Để đảm bảo điều kiện học tập tốt nhất cho các em học sinh, ban giám hiệu Trường Tiểu học Chương Dương thống nhất cử cô Đinh Thị Kim Thoa, Phó hiệu trưởng sẽ thay thế cô Trương Phương Hạnh phụ trách việc giảng dạy các em học sinh lớp 4/3 ngay vào sáng nay.

“Cô Thoa từng là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền, được nhiều giấy khen các cấp. Ngay trong chiều 30/9, cô Thoa đã chủ động tham gia tương tác với nhóm phụ huynh của lớp. Ban giám hiệu nhà trường đã ban hành quyết định phân công cô Thoa đảm nhận nhiệm vụ phụ trách lớp 4/3 ngay trong chiều 30/9”- ông Long nói.

 

Võ Cao Long
Ông Võ Cao Long, Trưởng phòng GD-ĐT quận 1. Ảnh: Lê Huyền

Ban giám hiệu Trường Tiểu học Chương Dương thành lập nhanh tổ công tác gồm đại diện phòng GD-ĐT, cấp ủy, ban giám hiệu nhà trường, công đoàn trường, ban tra nhân dân đến tiếp xúc động viên cô Hạnh ngay trong tối 30/9. Ban giám hiệu Trường Tiểu học Chương Dương đề nghị cô Hạnh tường trình làm rõ những nội dung có liên quan đến cô đang được đang tải trên mạng xã hội nộp trước 9h ngày 3/10.

“Động viên ở đây nên được hiểu là trong cuộc sống hay công việc có những quyết định ở thời điểm đấy nóng vội, chính vì vậy tổ công tác đến để tìm hiểu tình cảm, tư tưởng của cô Hạnh”- ông Long nói rõ.

Trưởng phòng GD-ĐT quận 1 cũng nói rằng, sau vụ việc trên, UBND quận 1 đã giao phòng tài chính, phòng giáo dục phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời tham mưu việc kiểm tra thu, chi đầu năm học của các trường trên địa bàn.

“Sau sự việc này, thời gian sắp tới tôi sẽ chỉ đạo phân công nhân sự theo dõi chia sẻ nắm bắt nội dung của các cơ sở giáo dục trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc khó khăn cũng như xử lý các vấn đề phát sinh”- ông Long nhấn mạnh.

Cô Trương Phương Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3, khối trưởng khối 4, Trường Tiểu học Chương Dương bị hơn 20 phụ huynh lớp 4/3, đứng chung đơn phản ánh lên hiệu trưởng xin đổi chủ nhiệm. Lý do là cô đề nghị phụ huynh ủng hộ mua laptop, nhưng khi có ý kiến không đồng ý thì không soạn đề cương ôn tập cho học sinh.

 

Trương Phương Hạnh
Cô Trương Phương Hạnh. Ảnh: Lê Huyền

Cụ thể, trong buổi họp phụ huynh đầu năm của lớp 4/3 (diễn ra ngày 14/9), cô Hạnh đề nghị phụ huynh hỗ trợ 1 laptop trị giá 4-5 triệu đồng, máy in tài liệu và hỗ trợ cô bảo mẫu của lớp 300 nghìn đồng/tháng. Lúc đó, phụ huynh có ý kiến rằng máy in đã được trang bị từ lớp 3, cô giáo nên liên hệ giáo viên chủ nhiệm cũ để xin lại cho lớp.

Phụ huynh tính toán rằng với chiếc laptop giá 5-6 triệu đồng, mỗi người sẽ phải đóng góp từ 200-300 nghìn đồng. Tuy nhiên, vì còn góp vào việc khác, phụ huynh phải đóng 500 nghìn đồng/người.

Có 29 phụ huynh đã đóng tiền, tổng cộng 14,5 triệu đồng. Cô Hạnh đưa cô bảo mẫu 300 nghìn đồng, đóng quỹ khuyến học 500 nghìn đồng, giữ 13,7 triệu đồng. Nữ giáo viên này nói xin 6 triệu đồng từ số tiền này để mua laptop trị giá 11 triệu (5 triệu còn lại cô tự bỏ ra) và muốn cái laptop này là của riêng cô.

Có 26 phụ huynh đồng ý, 3 người không đồng ý, còn 9 phụ huynh không ý kiến. Vì vậy, nữ giáo viên đã “dỗi” và nói sẽ không soạn đề cương ôn tập cho học sinh. Đơn tố cô Hạnh của phụ huynh cũng nêu cô Hạnh còn bán đồ ăn trong lớp cho học sinh…

Ngày hôm qua, chia sẻ với VietNamNet, nữ giáo viên nói, xin tiền phụ huynh mua laptop vì nghĩ “đấy là xã hội hoá giáo dục”. Còn cô bị phụ huynh phản ánh lên hiệu trưởng vì không nhận tiền mua laptop, còn nếu nhận của phụ huynh thì mọi chuyện đã không xảy ra.

Đối với việc bán xúc xích, mì gói cho học sinh, theo lý giải của cô Hạnh là nhà cô ở xa trường nên có những lúc đến trường chưa ăn sáng. Vì vậy cô luôn “thủ” sẵn mấy gói mì để hôm nào không kịp ăn sáng thì vào trường nấu ăn. Học sinh thấy vậy cũng lên nói ‘cô ơi con đói quá, cô nấu cho con gói mì” nên cô đã nấu mì cho học sinh ăn. 1 hộp mì và 1 cây xúc xích là 20.000 đồng. Học sinh có tiền thì trả còn không có thì thôi.