Giá điện tăng 4,8%, hộ nào phải trả thêm nhiều tiền điện nhất

Từ hôm 11/10, dân tình xôn xao trước thông báo tăng giá điện chính thức của Tập đoàn điện lực EVN. Cụ thể giá điện sẽ tăng bao nhiêu và tác động như thế nào đến đời sống các hộ dân. Thông tin này đã được báo chí chính thống đăng tải rồi, mình chia sẻ lại chi tiết trong bài viết dưới đây cho mọi người cùng biết nhé!

Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã họp báo thông tin về điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 11/10/2024.

Cụ thể, từ ngày 11-10, EVN điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Như vậy, mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

hình ảnh

Giá điện tăng thêm 4,8% từ ngày 11/10, ảnh: EVN

Trước câu hỏi mức tăng giá điện 4,8% có ảnh hưởng tới đời sống nhân dân thế nào, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN, cho biết với tổng số khách hàng sinh hoạt sử dụng điện từ 200 kWh/tháng trở xuống là 17,41 triệu hộ, tương ứng với 61,35% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt.

Theo tính toán, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ từ 200 kWh/tháng trở xuống là 13.800 đồng/hộ.

“Như vậy, mức tác động đến khách hàng sinh hoạt phổ biến (tiêu thụ dưới 200 kWh/tháng) ở mức vừa phải, trong khi các nhóm khách hàng có mức tiêu thụ điện cao hơn sẽ chịu mức tăng đáng kể hơn” – ông Nam cho biết.

hình ảnh

Tác động của việc tăng giá điện đến các hộ dân, ảnh: NLĐ

Đối với khách hàng sử dụng điện từ 301- 400 kWh (chiếm khoảng 8,87% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 47.050 đồng/hộ/tháng.

Đối với khách hàng sử dụng điện từ 400 kWh trở lên (chiếm khoảng 11,28% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 62.150 đồng/hộ/tháng

Cùng với đó, đơn vị kinh doanh dịch vụ có khoảng 547 ngàn khách hàng, trung bình mỗi tháng trả 5,17 triệu đồng tiền điện. Sau điều chỉnh, mỗi tháng sẽ trả thêm khoảng 247 ngàn đồng.

Đơn vị sản xuất có 1,921 triệu hộ, trung bình mỗi tháng trả 10,38 triệu đồng. Sau điều chỉnh, tiền điện tăng thêm 499 ngàn đồng/tháng.

Đơn vị hành chính sự nghiệp khoảng 691 ngàn khách hàng hành chính sự nghiệp, trung bình mỗi tháng trả 1,93 triệu đồng. Sau điều chỉnh, tăng thêm 91 ngàn đồng/tháng.

hình ảnh

Giá điện từ năm 2009 đến nay, ảnh: NLĐ

Về chính sách hỗ trợ hộ nghèo, các hộ được hỗ trợ tiền điện hàng tháng tương đương với lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng. Đối với các hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng, mức hỗ trợ cũng tương đương với số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng.

Mức hỗ trợ hộ nghèo hộ chính sách là 59.500 đồng/hộ/tháng. Nếu áp dụng theo giá mới thì mỗi hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện là khoảng 62.500 đồng/hộ/tháng.

Đáng chú ý, EVN cho rằng mức tăng giá điện 4,8% sẽ tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm 2024 là 0,04%. “Mức tăng này được cân đối để đảm bảo ổn định kinh tế – xã hội” – ông Nam cho biết.

Tuy nhiên, đại diện EVN không tiết lộ số doanh thu tăng thêm của EVN sau lần điều chỉnh giá điện 4,8% này.

Theo ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, việc tăng giá điện là đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cung ứng điện trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Sang năm 2025, Bộ Công Thương nhận định tình hình phụ tải tiếp tục tăng cao do diễn biến thời tiết bất thường, theo đó Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị nhiên liệu, sự sẵn sàng huy động nguồn điện, triển khai phương án vận hành linh hoạt để đảm bảo cung ứng điện 2025.

hình ảnh

Mời bà con đọc thêm thông tin: Làm sao để tiết kiệm điện trong sinh hoạt hàng ngày của gia đình

– Khi sử dụng điều hòa

Điều hòa không khí là một trong những thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng nhất trong gia đình. Để tiết kiệm điện, hãy đặt nhiệt độ điều hòa ở mức phù hợp, khoảng 25-27 độ C. Không nên đặt nhiệt độ quá thấp, vì điều này không chỉ làm tăng lượng điện tiêu thụ mà còn gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, việc thường xuyên vệ sinh và bảo dưỡng điều hòa cũng giúp máy hoạt động hiệu quả hơn, từ đó giảm tiêu thụ điện.

– Tận dụng ánh sáng tự nhiên

Thay vì bật đèn suốt cả ngày, hãy tận dụng ánh sáng tự nhiên bằng cách mở cửa sổ, rèm cửa vào ban ngày. Điều này không chỉ giúp giảm lượng điện tiêu thụ cho chiếu sáng mà còn tạo cảm giác thoáng đãng và thoải mái cho ngôi nhà. Khi cần sử dụng đèn, hãy chọn đèn LED thay vì đèn sợi đốt, vì chúng tiết kiệm điện hơn và có tuổi thọ dài hơn.

– Sử dụng máy giặt và tủ lạnh đúng cách

Máy giặt và tủ lạnh là những thiết bị hoạt động liên tục, do đó cần sử dụng chúng một cách thông minh để tiết kiệm điện. Đối với máy giặt, hãy giặt với lượng quần áo phù hợp với công suất của máy và chọn chế độ giặt tiết kiệm. Đối với tủ lạnh, không mở cửa tủ lạnh quá thường xuyên và điều chỉnh nhiệt độ ở mức hợp lý. Đồng thời, nên đặt tủ lạnh ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp để tủ hoạt động hiệu quả hơn.

– Sử dụng bình nước nóng và bếp điện hợp lý

Bình nước nóng nên được bật khi cần sử dụng và tắt ngay sau khi sử dụng xong. Bếp điện, đặc biệt là bếp từ, tiêu thụ nhiều điện năng, nên cần nấu ăn với thời gian hợp lý và tắt bếp khi không cần thiết.