Trái cám gợi nhớ về tuổi thơ của những thế hệ lớn lên ở miền Tây Nam Bộ, nhưng đối với cư dân thành thị, đây là một loại quả xa lạ mà nhiều người chưa từng có dịp nếm thử.
Theo người dân địa phương, trái cám có lớp vỏ sần sùi với nhiều vảy bám quanh. Vỏ của trái rất dày, và khi cắt qua lớp cùi, bạn sẽ thấy phần nhân màu trắng bên trong được xếp thành lớp giống như vảy cá, có thể bóc tách ra một cách độc đáo. Khi còn non, nhân của trái cám có màu trắng, nhưng khi chín, màu sắc của nó chuyển sang ngà.
Anh Nhân (ở An Giang) kể rằng phần nhân bên trong trái cám có hình dạng giống con cá, ăn rất thơm và ngọt. Ngày xưa, cây cám mọc nhiều dọc theo các bờ sông. Đây là loại cây dây leo, thân leo quấn quanh các cây lớn bên bờ sông, nên việc hái trái cám khá vất vả. Đến mùa, đám trẻ con thường thi nhau trèo cây, hái trái, rồi ngồi ngay dưới gốc cây dùng đá đập vỡ lớp vỏ cứng bên ngoài để ăn phần ruột bên trong.
Anh Nhân cho biết, ngày nay cây cám rất hiếm, không còn phổ biến như trước đây. Vào mùa, người dân phải vào rừng để hái quả mang ra bán ở chợ quê, hoặc thu gom lại để chuyển lên thành phố, nhưng số lượng thu hoạch được rất ít.
Ở các chợ quê, trái cám được bán với giá khoảng 30.000 đồng/kg nhưng không phải lúc nào cũng có thể mua được. “Có lần, bỗng nhiên nhớ lại những ngày tháng tuổi thơ, tôi thèm hương vị của trái cám đến phát cuồng. Tôi nhờ mẹ mỗi khi đi chợ nếu thấy thì mua gửi lên cho tôi. Lâu lắm mới được ăn lại, tôi vẫn mê mẩn thứ quả dại này, vị của nó ngọt mát vô cùng. Ngoài việc ăn trực tiếp, phần nhân của trái cám còn có thể dầm với đường đá, tạo thành món giải nhiệt hấp dẫn. Các con tôi lần đầu ăn cũng tấm tắc khen ngon,” anh Nhân chia sẻ thêm.
Theo tìm hiểu, trái cám, còn được biết đến với tên gọi khác là trái cá, thường mọc dại ở những khu vực gần sông thuộc miền Tây Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, loại quả dại này cũng xuất hiện ở một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia và Thái Lan.
Ở miền Tây, cây cám là một phần không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ của nhiều người. Cây càng già, càng lớn thì trái càng sai trĩu. Khoảng thời gian từ tháng 10 âm lịch kéo dài đến ra giêng là lúc trái cám rừng chín rộ, tỏa ra hương thơm đặc trưng. Hiện nay, loại cây này vẫn mọc hoang dại trong rừng mà chưa được ai mang về trồng.
Nhân của quả cám còn được dùng để ngâm rượu. Rượu cám là loại rượu quý mà người dân ở đây thường sử dụng để đãi khách hoặc trong những dịp đặc biệt quan trọng. Thậm chí, khi còn non, trái cám sẽ được xắt nhỏ, phơi khô và sử dụng làm dược liệu, giúp trị tiêu chảy và kích thích tiêu hóa hiệu quả.
Ngoài ra, hạt của loại quả này chứa nhiều dầu, thường được sử dụng trong ngành mỹ phẩm để sản xuất xà phòng cao cấp. Đặc biệt, theo một số nguồn tin, hoa của cây cám có hương thơm nồng nàn, tương tự như hoa lan.