Quy định mới về thời gian làm việc của lái xe, hàng triệu tài xế cần lưu ý

Đó là 2 quy định mới trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025.

Quy định mới về thời gian làm việc của lái xe, hàng triệu tài xế cần lưu ý - 1
Tài xế cầm lái quá 48 giờ/tuần sẽ bị phạt từ 1/1/2025 (Ảnh minh họa: TNI).

Tài xế lái xe quá 48 tiếng/tuần sẽ bị phạt

Căn cứ Điều 64 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, quy định mới về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ như sau:

– Thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 4 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động.

– Đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động vận tải nội bộ và người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ chịu trách nhiệm thực hiện các quy định tại Điều này.

Như vậy, Luật mới đã bổ sung thời gian làm việc trong một tuần của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ. Khi đó, tài xế lái xe quá 48 tiếng/tuần sẽ bị phạt.

Theo Điều 23 và Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nếu vi phạm người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự xe ô tô chở hành khách, chở người sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Đối với chủ phương tiện sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện quá thời gian quy định.

(Lưu ý: Quy định này áp dụng với đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị hoạt động vận tải nội bộ và người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ).

Tăng độ tuổi tối đa của người lái xe từ 1/1/2025

Khoản 1 Điều 59 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) quy định về độ tuổi của người lái xe như sau:

Điều 59. Tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

1. Độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng được quy định như sau:

a) Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy;

b) Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ;

c) Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE;

d) Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE;

đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE;

e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.

Căn cứ quy định trên, trong tất cả các loại xe thì chỉ có xe ô tô chở người trên 29 chỗ mới có giới hạn độ tuổi tối đa lái xe.

Hiện nay, theo điểm e khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008, tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ.

Như vậy, độ tuổi tối đa của người lái xe chở người trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) của nam tăng thêm 2 tuổi và của nữ tăng thêm 5 tuổi so với hiện hành.

Hiện hành, tại Điều 65 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định thời gian làm việc của người lái xe ô tô như sau:

– Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.

– Người vận tải và người lái xe ô tô chịu trách nhiệm thực hiện quy định trên.